Windows 11 đã chạm ngưỡng 30% thị phần máy tính cá nhân toàn cầu

Đó là số liệu mà Statcounter vừa mới đưa ra. Hồi đầu năm nay, Windows 11 bị giảm tỷ lệ cài đặt trong những cỗ máy PC trên toàn thế giới. Nhưng đến thời điểm hiện tại, hệ điều hành phiên bản mới nhất của Microsoft đã có được tỷ lệ cài đặt cao nhất kể từ khi nó ra mắt chính thức vào tháng 10/2021 tới nay.

Trước đó vào tháng 4/2024, có thời điểm tỷ trọng thị phần máy tính cá nhân cài đặt Windows 11 sụt giảm đến mức đáng lo ngại, còn tỷ trọng máy tính cài đặt Windows 10 có lúc vẫn vượt mốc 70%. Còn ở thời điểm hiện tại, Windows 10 đang có tỷ trọng 66%, Windows 11 đã đạt mốc 29.71%, cao nhất từ trước tới nay.

[​IMG]

Nhưng luôn có một điều rõ ràng, tốc độ tăng trưởng thị phần cài đặt của Windows 11 luôn chậm hơn so với những phiên bản hệ điều hành trước đó mà Microsoft ra mắt trong quá khứ. Một trong số những lý do đã trở thành chủ đề tranh cãi khi Windows 11 mới ra mắt, đó là yêu cầu phần cứng máy tính phải hỗ trợ chip bảo mật TPM 2.0, thứ mà nhiều mẫu CPU ra mắt cách đây 5 đến 6 năm không có. Thêm nữa, về cơ bản thì hầu như mọi phần cứng và phần mềm Windows vẫn hỗ trợ Windows 10, nên nhiều người không có lý do và nhu cầu nâng cấp lên phiên bản HĐH mới.

Còn ở thời điểm hiện tại, những hệ thống PC và laptop mới bán ra thị trường đều đã cài sẵn Windows 11, mua về sử dụng luôn, nên thị phần của HĐH này cũng tăng lên. Cùng với đó là xu hướng AI PC với chuẩn Copilot+ PC mà Microsoft vừa giới thiệu cách đây ít lâu, dự kiến cũng sẽ giúp đưa những hệ thống PC cài Windows 11 tới tay người tiêu dùng. Những hệ thống trang bị chip kiến trúc ARM của Qualcomm, Snapdragon X Elite và Plus dự kiến sẽ được cài sẵn phiên bản cập nhật mới nhất, 24H2, với những tính năng AI tạo sinh có sẵn trong hệ điều hành, xử lý local.

Đó là tổng thể thị trường PC dựa trên dữ liệu ước tính của Statcounter. Còn số liệu bên thị trường PC gaming thì khả quan hơn rất nhiều đối với Windows 11. Theo Steam Hardware Survey, tổng hợp thông tin cấu hình máy tính có cài đặt Steam để chơi game, dù Windows 11 vẫn đứng sau bản 10, nhưng tỷ trọng lần lượt là 46.63% và 49.42%. Một nguyên nhân được đưa ra là, nhiều trò chơi trực tuyến mới ra mắt thời gian gần đây có những công cụ chống gian lận vận hành như một bộ rootkit can thiệp rất sâu vào phần cứng để nhận diện phần mềm không được phép sử dụng, và chúng cũng yêu cầu sự hiện diện của TPM 2.0, cùng Windows 11 để vận hành. Valorant là một ví dụ.

2024-07-02-image-3-j.webp

Gần đây, Microsoft đã buộc phải hoãn ra mắt tính năng được coi là tham vọng nhất trên phiên bản Windows 11 24H2, Recall, vì những lo ngại về bảo mật dữ liệu. Recall cho phép ghi lại hầu như mọi tác vụ người dùng đã thực hiện trên máy tính, để ứng dụng AI Copilot có thể vận hành như một trợ lý ảo có thể ghi nhớ và nhắc việc cho người dùng. Tuy nhiên nhiều nhà nghiên cứu bảo mật cho rằng dữ liệu cá nhân có thể bị rò rỉ.

Về khía cạnh phần cứng, dự kiến những con chip Strix Point, tên thương mại là AMD Ryzen AI 300 series, khi ra mắt vào cuối tháng 7 này cũng sẽ không hỗ trợ Windows 10. Bản thân hệ điều hành này cũng sẽ ngừng hỗ trợ cập nhật bảo mật cho người dùng cá nhân kể từ ngày 14/10/2025. Đối với các doanh nghiệp, Windows 10 sẽ được hỗ trợ cập nhật theo dạng Extended Security Update, nhưng sẽ phải đóng tiền cho Microsoft.

Nguồn: Tinhte.vn