[Video] AMD Ryzen 7 vs Core i7-6800K/7700K với nội dung game, stream game và phần mềm benchmark

AMD đã trưng bày những hệ thống tham chiếu nhằm so sánh sức mạnh xử lý của dòng hiệu năng cao Ryzen 7 và các phiên bản tương đương đến từ Intel như Core i7-6800K hay Core i7-7700K. Dưới đây là những video so sánh trực tiếp về tỉ lệ khung hình khi chơi game của các dàn máy tham chiếu do PCGamer thực hiện. Những con số rất đáng ngạc nhiên bởi so với các thế hệ APU trước, Ryzen đã mạnh hơn rất nhiều và đã có thể cạnh tranh sòng phẳng với Core i7 cao cấp của Intel nhưng mức giá thấp hơn.

Đầu tiên là bài test Battlefield 1 chạy ở độ phân giải 4K với 2 card đồ họa Titan X (Pascal) SLI. Titan X thì không còn gì phải bàn cãi về sức mạnh đồ họa và không ngạc nhiên khi cả 2 hệ thống đều cho tỉ lệ khung hình trên 90 fps.

Core i7-6800K có giá bán lẻ khoảng $440 và là một con CPU 6 nhân, so với Ryzen 7 1800X cao cấp nhất hiện tại của dòng Ryzen 7 thì nó vẫn rẻ hơn $50, Ryzen 7 1800X 8 nhân 16 luồng và xung nhịp cao hơn đôi chút. Theo tình huống thử nghiệm của AMD, Ryzen 7 1800X đã cho thấy hiệu năng tốt hơn so với Core i7-6800K – vốn là phiên bản rẻ nhất của thế hệ Broadwell-E nhưng có mức giá đắt hơn Ryzen 1800X.

Tiếp đến là tựa game Sniper Elite 4 với thiết lập đồ họa tối đa, cả 2 dàn đều được trang bị bộ đôi RX 480 chạy CrossFire đi cùng với Ryzen 7 1800K và Core i7-6900K. Tỉ lệ khung hình đạt được đều ngang nhau ở xấp xỉ 91 fps với cùng một cảnh game.

Một bài test về game nữa là stream game, ở đây AMD thiết kế 2 dàn, một chạy Ryzen 7 1700 giá rẻ nhất trong dòng chip này và dàn kia chạy Core i7-7700K. Hầu hết người dùng sẽ nghĩ rằng Core i7-7700K sẽ hiệu quả hơn đối với mọi tình huống liên quan đến game, bao gồm cả streaming nhưng qua thử nghiệm này, bạn sẽ phải suy nghĩ lại bởi AMD sử dụng Open Broadcaster Software (OBS) để phát game lên Twitch và tựa game được phát là Dota 2. OBS được thiết lập sử dụng CPU với bộ giải mã x264 và bitrate 3500 kb/s – thiết lập phổ biến đối với hầu hết streamer và theo AMD, CPU sẽ cho chất lượng hình ảnh cao hơn ở bitrate thấp hơn so với các công nghệ cố định như Intel QuickSync, Nvidia NVENC hay AMD VCE.

Kết quả thử nghiệm cho thấy tỉ lệ khung hình trên hệ thống Intel giảm dần trong khi hệ thống AMD đạt tỉ lệ cao hơn như dự kiến. 2 chiếc laptop đặt trước 2 màn hình có vai trò thể hiện kết quả của một người dùng đang xem stream trực tiếp trên Twitch.

So sánh như vậy liệu có công bằng? Theo PCGamer thì nhiều streamer vẫn thích dùng GPU khi stream hơn nhưng nếu bạn muốn đạt được chất lượng tối đa thì CPU cùng bộ giải mã x264 sẽ đem lại độ phân giải cao hơn. Nhiều streamer chuyên nghiệp thường sẽ trang bị thêm một hệ thống thứ 2 phục vụ cho hoạt động stream nhằm đạt được tỉ lệ khung hình cao hơn nhưng với một vi xử lý 6 nhân, 12 luồng hoặc 8 nhân, 16 luồng như các phiên bản thuộc dòng Ryzen 7 thì chúng đủ mạnh để có thể xử lý game lẫn giải mã video mà không làm giảm tỉ lệ khung hình.

Chuyển sang các bài test hiệu năng bằng phần mềm chuyên dụng, Ryzen 7 1700X sẽ đấu với Core i7-6800K với nội dung: chạy đồng thời Blender, Optane 2.0 và HandBrake để xem ai hoàn thành trước. Màn hình bên trái là hệ thống dùng Intel Core i7-6800K 6 nhân 12 luồng, giá khoảng $441 còn bên phải là hệ thống dùng AMD Ryzen 7 1700X, giá khoảng $399. Blender là công cụ thử nghiệm hiệu năng render 3D, HandBrake giải mã video và Optane 2.0 chạy trên trình duyệt Google Chrome. Kết quả Ryzen 7 1700X mất chỉ 92 giây để hoàn tất cả 3 bài test chạy cùng lúc trong khi Core i7-6800K mất 112,3 giây.

Cuối cùng là thử nghiệm xử lý bảng tính Excel, nếu anh em thường benchmark CPU bằng PCMark 7 hay 8 thì sẽ thấy những bảng tính phức tạp với nhiều dữ liệu được tích hợp vào 2 phần mềm này. Bài test được AMD thiết kế sử dụng một đoạn mã macro để tạo ra một loạt các bảng tính khác nhau nhằm đo thời gian xử lý. Với bài test này Ryzen 7 1700 đấu với Core i7-7700K và mặc dù đại diện đến từ Intel có lợi thế hơn về xung nhịp nhưng vẫn về sau AMD 4 giây, Ryzen 7 1700 mất 23 giây để hoàn thành.

Như vậy qua cả 5 bài test thì các phiên bản Ryzen 7 đều thắng hoặc hòa các phiên bản tương đương đến từ Intel. Điều cần lưu ý là tất cả những bài test này đều do AMD thiết kế nên không ngạc nhiên khi phần thắng nghiên hẳn về Ryzen. Tuy nhiên, có thể thấy Ryzen đã thể hiện hiệu năng rất ấn tượng, chưa rõ có ăn được Intel hay không nhưng so với các thế hệ APU trước đây như dòng FX thì rõ ràng Ryzen đã mạnh hơn rất nhiều, theo AMD cho biết là bước nhảy vọt đến 52% IPC.

Từ khóa: , , , ,