TUF GAMING Z790-BTF WIFI và hệ sinh thái BTF

TUF GAMING Z790-BTF WIFI – Khi nhắc đến TUF, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến dòng sản phẩm mạnh ở sự đơn giản, độ bền cao cùng những tính năng quen thuộc trong khi vẫn thực dụng với một mức giá vừa phải.

Tuy với TUF GAMING Z790-BTF WIFI, có thể nói đây là một sản phẩm tương đối… khác biệt so với các “đàn anh” của mình khi không chỉ là một mã sản phẩm chưa từng xuất hiện, mà còn là một TUF mới mẻ hơn với hàng loạt cải thiện cùng các tính năng độc đáo, mở ra một “tương lai” mới với các tinh chỉnh thiết kế mà cái tên tên BTF – Back to the Future, muốn mang lại.

Như vậy, liệu TUF GAMING Z790-BTF WIFI có thể gây ấn tượng với game thủ qua những tính năng độc đáo, trong khi vẫn giữ được “di sản” về độ bền bỉ, tính hiện đại và đơn giản của cái tên TUF?

Bạn đọc hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu qua bài viết!

TUF GAMING Z790-BTF WIFI – Hệ thống “ẩn dây” gần như hoàn chỉnh

Mặt trước hộp TUF GAMING Z790-BTF WIFI

Bắt đầu từ vỏ hộp, lập tức có thể thấy sự “khác biệt” của TUF GAMING Z790-BTF WIFI khi được thiết kế với gam màu “sơn” sáng – trái ngược hoàn toàn với tông màu đen của dòng TUF từ những năm trước.

Chưa kể, vỏ hộp được thiết kế với chỉ logo tách điệu và một số tính năng chính được trưng bày như hỗ trợ các dòng vi xử lý Intel thế hệ 12 đến 14, hệ thống thiết lập đèn ARGB Gen 2 cùng “cổng kết nối ẩn” (hidden connectors), mang đến cảm giác “huyền bí” hơn nhiều so với “đàn anh” như TUF Gaming Z690 PLUS WIFI D4 hay TUF Gaming Z490-Plus WIFI.

Mặt sau hộp TUF GAMING Z790-BTF WIFI

Ở mặt sau, một số thông tin về công nghệ và thiết kế của mẫu bo mạch chủ bắt đầu lộ diện, đáng chú ý như hỗ trợ Wi-Fi 7 và Bluetooth 5.4 cùng loại ăng-ten mới, các tính năng “độc quyền” như cấu hình tản nhiệt AI Cooling II, thiết kế chân giữ PCIe mới, hỗ trợ DDR5 với AEMP II và đặc biệt là ảnh sản phẩm… không hề có có chân cắm nguồn.

Mặt trước TUF GAMING Z790-BTF WIFI

Bắt đầu đập hộp, điểm “lạ” dễ nhất có thể thấy ở bo mạch chủ TUF GAMING Z790-BTF WIFI nằm các chân cắm đã được dời xuống… mặt sau, thay vào các vị trí thường thấy là các tấm giáp tản nhiệt dày đặc hơn, “che chắn” gần như toàn bộ mặt trước.

Bo mạch chủ được ASUS trang bị các tấm giáp tản nhiệt được sơn trắng với thiết kế tối giản, tuy vẫn giữ được tính “hầm hố” thường thấy trên dòng TUF. Điểm này đặc biệt đúng ở lần đầu “trên tay”, người dùng sẽ cảm giác được độ nặng của bo mạch chủ phần lớn nhờ vào các tấm giáp tản nhiệt được làm hoàn toàn từ kim loại.

Chân giữ Q-Release cùng chân nguồn "high-power" cho card đồ họa
Chân giữ Q-Release cùng chân nguồn “high-power” cho card đồ họa.

Những gì còn lại ở mặt trước chỉ là khe RAM DDR5 được cải thiện với hỗ trợ tối đa đến 192GB, một khe cắm PCIe 4.0 x16, một khe cắm PCIe 4.0 x4 và một khe cắm PCIe 5.0 x16 được trang bị chân giữ mới và chân nguồn “high-power” cho card đồ họa có thể cung cấp đến 600W.

Qua đó ở mặt sau, tất cả mọi chân cắm thường được trang bị trên bo mạch chủ dần “lộ diện” với sự xuất hiện bổ sung của ba chân cắm nguồn PCIe 8-pin và chân 12VHPWR, đảm bảo khả năng phục vụ cả những dòng card đồ họa “nặng đô” nhất như dòng GeForce RTX 40 Series.

Nhìn chung, để mang lại một hệ thống PC đơn giản và đẹp mắt hơn qua thiết kế “ẩn dây”, ASUS đã công bố tiêu chuẩn BTF (Back to the Future) với các bo mạch chủ được thiết kế chân cắm ở mặt sau, kết hợp với chân nguồn “high-power” trên card đồ họa để “che” đi các chân cắm thường thấy ở mặt trước của bộ máy.

Khi đó, bộ nguồn của card màn hình sẽ được kết nối đến chân cắm trên bo mạch chủ, trong khi bo mạch chủ giờ đây sẽ được kết nối thêm đến một trong những chân cắm nguồn PCIe.

Mặt trước hộp TUF GAMING Z790-BTF WIFI

Với TUF GAMING Z790-BTF WIFI, ASUS cũng đã giới thiệu card đồ họa TUF GAMING GeForce RTX 4070 Ti SUPER BTF White OC Edition để cho thấy sự tiện lợi và gọn gàng của hệ thống “ẩn dây” này.

Nhờ vậy, khi kết nối card đồ họa đến bo mạch chủ, người dùng sẽ không còn phải quá bối rối “đi dây” cho đẹp mắt khi các cổng kết nối giờ đã được quy chuẩn về mặt sau của vỏ case. Thậm chí, điều này một phần giúp tinh giản quá trình xây dựng bộ máy cho người dùng mới, khi “quên” cắm dây nguồn cho card đồ họa cũng là một tình trạng thường gặp trong khi sử dụng.

Tuy nhiên, dù cho điểm mạnh của BTF nằm ở sự tiện lợi và gọn gàng của bộ máy, điểm yếu của nó cũng nằm ở việc hỗ trợ cho các linh kiện còn tương đối hạn chế, khi ASUS hiện mới chỉ cho ra mắt hai dòng card đồ họa hỗ trợ cùng một vỏ case được “tinh chỉnh” riêng.

Trong khi người dùng vẫn có thể sử dụng các vỏ case bên ngoài cùng các dòng card đồ họa thông thường, khả năng đi dây và độ phù hợp với các chân cắm ở mặt sau của bo mạch chủ dường như sẽ trở thành một… hạn chế.

TUF GAMING Z790-BTF WIFI trên bo mạch chủ TUF GAMING Z790-BTF WIFI

Mặc dù ASUS chưa phải là hãng đầu tiên thử nghiệm với các chân cắm đặt phía sau bo mạch chủ để “ẩn dây” – khi trước đó Gigabyte đã từng thử nghiệm với Project Stealth, hay MSI với Project Zero, đây có thể nói là sản phẩm bo mạch chủ với các chân cắm sau “chỉnh chu” nhất đến người tiêu dùng được bán ra ở thời điểm hiện tại, cùng lúc với một hệ sinh thái hoàn chỉnh hơn khi hỗ trợ cả card đồ họa và case, thậm chí qua các nhà cung cấp thứ ba như Corsair, Cooler Master hay Thermaltake.

Tản nhiệt VRM trên TUF GAMING Z790-BTF WIFI

Nhìn sâu hơn vào cấu trúc mạch, TUF GAMING Z790-BTF WIFI được trang bị cấu hình cấp điện 16+1+1 với MOSFET 60A cùng hệ thống tản nhiệt VRM dày đặc qua hai đầu cấp điện 8-pin được đặt bên dưới, dễ dàng “gánh” các mẫu vi xử lý mạnh mẽ như i7-14700K ngay cả khi ép xung.

Về lưu trữ, TUF GAMING Z790-BTF WIFI được trang bị đến bốn khe M.2 chuẩn PCIe 4.0 x4, tất cả được “làm mát” bên dưới tấm giáp tản nhiệt chính và đều được trang bị cần xoay Q-Latch để tháo gắn ổ nhanh chóng thay cho các loại ốc như trước.

Các cổng I/O của TUF GAMING Z790-BTF WIFI

Bo mạch chủ TUF GAMING Z790-BTF WIFI cũng được trang bị khá đầy đủ về mặt kết nối và tiện nghi gồm 1 cổng USB Type-C 20Gbps (USB 3.2 Gen 2×2), hai cổng USB Type-A và một cổng USB Type-C 10Gbps (USB 3.2 Gen 2) cùng bốn cổng USB Type-A 5Gbps (USB 3.2 Gen 1).

Bên cạnh đó, bo mạch chủ hoàn toàn tương thích với các chuẩn kết nối mạng hiện đại khi được trang bị module Wi-Fi 7 từ Intel với tốc độ lý thuyết lên đến 2.4Gbps trong băng tần 6GHz, hỗ trợ Bluetooth 5.4 cùng cổng LAN siêu tốc 2.5Gb.

Tổng kết

TUF GAMING Z790-BTF WIFI và card đồ họa

Nhìn chung, TUF GAMING Z790-BTF WIFI là một mẫu bo mạch chủ tương đối hấp dẫn về cả thiết kế lẫn tính năng, đặc biệt khi người dùng quyết định đầu tư lâu dài vào hệ sinh thái BTF của ASUS.

Tuy số lượng linh kiện hỗ trợ hệ sinh thái BTF còn tương đối hạn chế ở thời điểm hiện tại, người dùng có thể trông chờ vào nhiều mẫu card đồ họa hơn từ ASUS, hay các vỏ case đa dạng hơn đến từ các nhà sản xuất thứ ba để có thể tận dụng đầy đủ khả năng “ẩn dây” độc đáo của chúng.

Có thể nói khi lựa chọn giữa các bo mạch chủ TUF, nếu như coi mã PLUS là dòng sản phẩm dành cho người dùng phổ thông và PRO dành cho người dùng cao cấp, BTF – đặc biệt là TUF GAMING Z790-BTF WIFI, chắc hẳn là dòng TUF dành cho người dùng thích sự “khác biệt” khi đòi hỏi những công nghệ hiện đại nhất.

Nguồn: Vietgame.asia