Trên tay Samsung Galaxy Book4 Pro: máy rất mỏng và nhẹ, cải thiện về tản nhiệt, giá 36 triệu đồng

Samsung không kinh doanh mặt hàng laptop tại thị trường Việt Nam nhưng thực tế thì họ có làm laptop và thế hệ mới nhất là Galaxy Book4 series. Nói về các model của Galaxy Book4 thì có rất nhiều, bên cạnh dòng vỏ sò truyền thống thì còn có phiên bản 360, bản Pro này là dòng cao cấp của Galaxy Book rồi, có thể xem nó ngang phân khúc của những mẫu ultrabook cao cấp của Dell, HP, ASUS, Lenovo hay Acer. Phiên bản Book4 Pro này có thiết kế đơn giản nhưng mình ấn tượng ở độ mỏng nhẹ của nó, cũng như màn hình Dynamic AMOLED 2X rất đẹp.

Các mẫu Galaxy Book4 Pro có mức giá khởi điểm từ 1449 USD, tuỳ chọn cấu hình với Intel Core Ultra 7 155H, 16GB RAM và 512GB SSD, nếu lên 1TB SSD thì giá là 1749 USD. Samsung không có tuỳ chọn 32GB RAM, cũng không rõ lí do vì sao. Với cấu hình này thì mẫu laptop của Samsung rất phù hợp với nhu cầu văn phòng đơn giản, các bạn làm sale, làm marketing, hay phải đi gặp khách hàng thì cân nặng 1.2kg cùng độ mỏng ấn tượng là điểm nổi bật của Galaxy Book4 Pro mà cũng là những điểm mà các bạn quan tâm khi chọn laptop.

trentay-samsung-galaxy-book4-Pro-tinhte (2).jpg

Có một điểm khó mà chối cãi đó là Galaxy Book4 Pro có thiết kế khá giống với MacBook Air M1, thật vậy, một số người bạn của mình khi mới nhìn thấy mẫu máy này mà không để ý đến logo Samsung đặt ở góc thì lập tức nghĩ đây là MacBook Air M1.
trentay-samsung-galaxy-book4-Pro-tinhte (15).jpg

Cũng phải, Samsung từ trước đến nay, từ mẫu Galaxy Book đầu tiên thì thiết kế đã đi theo hướng tối giản như vầy, đến nay là 4 thế hệ Galaxy Book nhưng ngoại hình vẫn không thay đổi là bao. Sau khi trải nghiệm mẫu Dell XPS 9440 1.7kg thật sự là nặng cho một chiếc laptop 14-inch thì quay sang Galaxy Book4 Pro thấy nhẹ nhõm biết bao.
trentay-samsung-galaxy-book4-Pro-tinhte (19).jpg
Độ dày của Galaxy Book4 Pro là 11.6mm ở khu vực mỏng nhất, dù chưa mỏng bằng MacBook Air M2 nhưng nếu cầm Galaxy Book4 Pro này trên tay anh em sẽ thấy bất ngờ, vì nó quá mỏng và nhẹ.
trentay-samsung-galaxy-book4-Pro-tinhte (25).jpg
Màu sắc này được Samsung gọi là Moonstone Gray, nó có màu sắc rất giống với màu Space Grey của MacBook, khó mà nói rằng hai mẫu máy này không có nhiều điểm tương đồng với nhau. Nếu bạn là một người hay ra mồ hôi tay, mồ hôi muối thì nên cẩn thận với lớp sơn này, nó sẽ sớm bị bóng và bay màu sơn thôi.
trentay-samsung-galaxy-book4-Pro-tinhte (26).jpg
Máy hoàn thiện bằng nhôm là chủ yếu, ở mặt B, đặc biệt là khung viền của màn hình cũng là kính bao phủ ra tận mép chứ không phải là viền nhựa, điểm mình thích là ở đây. Các góc của màn hình được bo cong và nó tạo ra trải nghiệm mới lạ, đặc biệt và với Windows vốn đã quen với các góc vuông rồi.
trentay-samsung-galaxy-book4-Pro-tinhte (24).jpg
Bản lề của máy chắc chắn, có thể mở được bằng một tay, máy mỏng và nhẹ nhưng mà bản lề của máy có thể giữ màn hình của máy khá vững khi mình đặt máy trên đùi để gõ, góc mở tối đa của bản lề này là khoảng 130 độ.

Không giống như một số nhà sản xuất khác, Samsung không cắt giảm đi những cổng kết nối, vẫn có Thunderbolt 4, USB-A, HDMI, jack 3.5mm và khe thẻ microSD.
trentay-samsung-galaxy-book4-Pro-tinhte (33).jpg
Bàn phím và touchpad của Samsung Galaxy Book4 Pro không đem lại cho mình trải nghiệm như mong đợi trong quá trình sử dụng. Thứ nhất, bàn phím có hành trình khá nông, cảm giác gõ trên bàn phím này làm mình liên tưởng đến việc gõ trên MacBook có bàn phím butterfly ngày xưa, và khi gõ nhiều sẽ gây ra cảm giác khá là mỏi. Bù lại độ nảy và layout của bàn phím này không quá gò bó tay của mình. Đèn nền bàn phím có thể tự động kích hoạt nếu phát hiện người dùng sử dụng trong môi trường thiếu sáng, sự xuất hiện của nút Copilot cũng là một trong các tiêu chuẩn của AI PC thời đại mới.
trentay-samsung-galaxy-book4-Pro-tinhte (23).jpg
Touchpad của Samsung Galaxy Book4 Pro diện tích thì không phải quá lớn, khả năng tracking cũng ở mức ổn, mình nhận ra rằng touchpad của chiếc máy này không thực sự nhạy như cách mà mình di chuyển ngón tay, kiểu con trỏ nó có sự delay nhẹ so với mức tiêu chuẩn. Điều này mình không hề bị trên những mẫu máy khác, ví như dòng Dell XPS mới đây hay các mẫu ultrabook của Lenovo. Mình có thử trên Galaxy Book Go thì máy cũng bị tương tự, có lẽ đây là đặc điểm chung của laptop Samsung. Cách để giải quyết dễ nhất là tăng độ nhạy và tốc độ của con trỏ chuột, ngược lại thì khi cần trỏ vào các icon nhỏ sẽ không có độ chính xác cao.
trentay-samsung-galaxy-book4-Pro-tinhte (37).jpg
Hệ thống loa được gắn nhãn AKG nhưng thử nghiệm thực tế của mình thì không ấn tượng, nhưng nó có thiết kế lỗ thoát âm khá lớn, lớn hơn so với các mẫu laptop khác.
trentay-samsung-galaxy-book4-Pro-tinhte (13).jpg
Về thiết kế tổng thể thì Galaxy Book4 Pro vẫn giữ sự đơn giản như vốn có của nó, không khoa trương, không màu mè, sự đơn giản đó nếu người nào thích sẽ rất thích, những người “hướng nội part-time” giống như mình 😁. Còn những người thích sự điệu đà, uyển chuyển hay sự đột phá trong thiết kế thì sẽ thấy Galaxy Book4 Pro không hấp dẫn.

trentay-samsung-galaxy-book4-Pro-tinhte (8).jpg

Màn hình là điểm mình thích nhất trên mẫu laptop này, tấm nền Dynamic AMOLED 2X giống như trên smartphone của Samsung và đó vốn vẫn luôn là điểm mạnh của những thiết bị Samsung. Đây cũng là tấm nền hỗ trợ cảm ứng đa điểm 10 ngón và là một trong những tấm nền laptop có hỗ trợ cảm ứng nhạy nhất mà mình từng sử dụng.
trentay-samsung-galaxy-book4-Pro-tinhte (17).jpg
Laptop Samsung thì tấm nền cũng do Samsung cung cấp, các thông số của nó cho ra đều không làm mình thất vong: 100% sRGB, 98% AdobeRGB và 100% DCI-P3, độ sáng peak 400 nits toàn khung, delta E < 1, độ chính xác màu sắc, gamma và các vùng tương phản sáng-tối đều rất tốt trên tấm nền này.
Quan trọng hơn, Galaxy Book4 Pro có thêm một lớp phủ chống chói khá ổn (hợp tác với Corning), dù là màn hình gương nhưng so với những màn hình gương khác mình từng trải nghiệm qua trên laptop thì Galaxy Book4 Pro tốt hơn khá rõ ràng.

Độ phân giải cao, màu sắc đẹp, độ sáng tốt là những trải nghiệm tuyệt vời mà người dùng sẽ nhận được khi trải nghiệm laptop của Samsung. Hiện ở Tinh tế ngoài Galaxy Book4 Pro thì còn một mẫu laptop Samsung khác là Galaxy Book Go với con chip Snapdragon 8cx Gen 2, máy ra mắt gần đây thôi nhưng tấm nền của máy làm mình liên tưởng đến laptop của những năm 2010.

trentay-samsung-galaxy-book4-Pro-tinhte (42).jpg
Việc bo tròn 4 góc của màn hình thực tế đem lại trải nghiệm tốt nha anh em, vì nó làm cho cảm giác như anh em đang dùng điện thoại vậy, hơn nữa các cửa sổ trên Windows vẫn theo chiều hướng vuông vức, nếu mở dạng full cửa sổ thì trông sẽ dễ chịu hơn. Nó cũng giống như việc trước đây iPad Pro 10.5-inch chuyển sang iPad Pro 11-inch với thiết kế mới vậy.
trentay-samsung-galaxy-book4-Pro-tinhte (10).jpg
Nhưng nó cũng có viền màn hình phía dưới khá dày, phải chi mà Samsung làm mỏng nó đi luôn thì đẹp biết mấy.

trentay-samsung-galaxy-book4-Pro-tinhte (1).jpg

Intel Core Ultra 7 155H, 16GB RAM LPDDR5x, 512GB SSD PCIe 4.0, cấu hình cơ bản cho một mẫu ultrabook ở thời điểm này. Mình từng hoài nghi là Galaxy Book4 Pro với thân hình mỏng nhanh như thế thì liệu nó có lặp lại tình trạng như Galaxy Book2 360 mà Tinh tế đã từng đánh giá trước đây hay không, đó là nhiệt độ cao, máy nóng và bị tụt giảm hiệu năng.

Đáng tiếc là điều đó vẫn xảy ra, nhưng không quá tệ như ngày trước, bản chất là do Core Ultra 7 155H mạnh hơn so với thế hệ Intel Alder Lake trên Galaxy Book2 360 ngày trước mà Tinh tế từng đánh giá. Xung nhịp hoạt động thông thường của Galaxy Book4 Pro mà mình thấy được thì không quá cao, kể cả khi mình đã kích hoạt chế độ hiệu năng tốt nhất trên máy, chạy thử Cinebench đa nhân nhưng xung cao lắm cũng chỉ khoảng 3GHz, nhiệt độ thì đã chạm ngưỡng 100 độ C.

Việc xung nhịp không ổn định và có biên độ chênh lệch lớn từng xảy ra trước đây trên những mẫu Galaxy Book2, Galaxy Book3 và trên Galaxy Book4 Pro, chúng ta sẽ không thấy CPU hoạt động đa nhân với mức xung quá cao.

Thân hình của máy quá mỏng và nhiệt lượng của Core Ultra 7 155H toả ra trong quá trình hoạt động khiến cho Galaxy Book4 Pro không duy trì hiệu năng được lâu dài, Core Ultra 7 155H có thể đẩy mức tiêu thụ điện hơn 55W nhưng chỉ trong tích tắc, nó giảm còn 30W và ổn định ở ngưỡng đó, bù lại nhiệt độ vẫn trên 90 độ C.

Xung đơn nhân thì vẫn cao, 4.7GHz nhưng nhiệt độ thì không thay đổi. Với những mẫu laptop khác cũng Core Ultra 7 155H thì hoàn toàn có thể đạt điểm số Cinebench R23 và R24 cao hơn, nhưng không phải trên Galaxy Book4 Pro.
trentay-samsung-galaxy-book4-Pro-tinhte (38).jpg
Samsung không còn sử dụng 1 quạt cho laptop 13 và 14-inch của mình nữa mà chuyển sang 2 quạt tản nhiệt và 2 ống đồng, tuy vậy thì hiệu quả vẫn chưa được cải thiện nhiều. Nếu không làm các tác vụ nặng, máy hoàn toàn ổn và mát mẻ, nhưng ngược lại thì máy sẽ nóng và khu vực nóng nhất là khu vực bản lề. Nhưng nếu bạn nghĩ rằng nó sẽ nóng ran cả máy thì không phải đâu, chỉ khu vực bản lề của máy mà thôi, phần còn lại của mặt C thì vẫn thoải mái để gõ phím.

Nhìn chung, về hiệu năng thì Samsung vẫn còn nhiều việc phải làm, dù sao, đây vẫn được định hướng là một chiếc ultrabook, mà ultrabook thì nên làm những việc nó nên làm, và những việc nó được sinh ra để làm thì làm rất tốt. Việc theo đuổi một thiết kế quá mỏng, quá nhẹ cũng là một vấn đề ảnh hưởng đến hiệu năng của máy.
trentay-samsung-galaxy-book4-Pro-tinhte (3).jpg
Về AI thì Samsung cũng không thua kém gì bất kì một mẫu laptop nào của năm 2024 này, phím Copilot gọi nhanh trợ lý AI của Windows 11, việc chạy một LLM trực tiếp trên máy không phải một chuyện quá sức đối với mẫu laptop này, chỉ là bạn cần chọn đúng mẫu LLM, tham số không quá lớn (mình thấy với các mẫu laptop thì dưới 13 tỷ tham số là con số phù hợp nếu bạn có nhu cầu chạy LLM trực tiếp trên laptop).
trentay-samsung-galaxy-book4-Pro-tinhte (9).jpg
Nói về thời lượng sử dụng pin, viên pin 63Whr trên Galaxy Book4 Pro cho mình thời lượng sử dụng tốt bất ngờ, đạt 7 tiếng on screen, tức là ngang ngửa với một mẫu laptop cũng 14-inch, cũng màn hình OLED nhưng có viên pin cao hơn là 75Whr. Samsung cũng trang bị khả năng sạc nhanh cho máy, 35% trong vòng 30 phút và 50% chỉ trong hơn 40 phút.

trentay-samsung-galaxy-book4-Pro-tinhte (5).jpg

Nếu bạn cũng đang dùng điện thoại Samsung thì sự kết hợp giữa laptop và điện thoại là điều mà những thương hiệu khác sẽ phải ghen tị, trừ Apple (dĩ nhiên 😀). Nếu cũng sử dụng điện thoại, tablet của Samsung, đăng nhập vào cùng một tài khoản, bạn sẽ có được trải nghiệm liền lạc giữa các thiết bị này với nhau, điển hình là Multi Control.
trentay-samsung-galaxy-book4-Pro-tinhte (6).jpg
Mình đã có bài giải thích Multi Control là gì, về cơ bản nó sẽ là giải pháp kết nối liền mạch giữa các thiết bị Galaxy với nhau, bao gồm khả năng truyền tải file, kéo thả file, điều khiển điện thoại bằng chuột và bàn phím của laptop, chia sẻ kết nối Wi-Fi Hotspot, chia sẻ màn hình, kết nối màn hình không dây….một trải nghiệm hiếm thấy trên những mẫu laptop Windows khác, dù bạn có dùng Intel Unison hay Phone Link.

Trong hệ sinh thái của Samsung, chúng ta còn có thể nhận cuộc đến trên bất kì thiết bị nào đang kết nối, miễn là chúng có đăng nhập chung một tài khoản Samsung. Trên Microsoft Store cũng có rất nhiều ứng dụng của Samsung phục vụ cho hệ sinh thái đó, xét riêng ở thị trường Windows thì hiếm có hãng nào làm nhiều và kết nối mạch lạc như Samsung.
trentay-samsung-galaxy-book4-Pro-tinhte (4).jpg
Hình ảnh được chụp từ Samsung Galaxy cũng có thể đồng bộ dễ dàng và nhanh chóng qua laptop nhờ OneDrive, cả tài liệu cũng vậy, hoặc có thể tải ứng dụng Gallery để sử dụng. Đặc biệt, nếu bạn hay chụp hình RAW bằng Galaxy thì có thể dùng Expert RAW và hình ảnh cũng sẽ tự động chuyển sang Galaxy Book bằng Wi-Fi Direct.

trentay-samsung-galaxy-book4-Pro-tinhte (12).jpg

Với cá nhân mình, đây là lần thứ hai mình trải nghiệm một mẫu laptop của Samsung, sau trải nghiệm không mấy tốt ở lần đầu thì bây giờ, laptop Samsung đã tốt hơn rất nhiều. Mình thích ở mẫu Galaxy Book4 Pro này ở màn hình, thiết kế mỏng nhẹ, sử dụng rất thoải mái, nhất là khi di chuyển. Nếu bạn là người thường xuyên gặp khách hàng, những bạn làm sale, marketing thì Galaxy Book4 Pro rất phù hợp cho bạn.

Nguồn: Tinhte.vn