Trên tay màn hình đồ họa ASUS ProArt PA279CRV
Về ngoại hình, dòng sản phẩm màn hình ProArt của ASUS không có nhiều thay đổi qua các thế hệ, tuy nhiên khi đặt cạnh bên rồi so sánh giữa PA279CV và PA279CRV, phiên bản mới trông mượt mà hơn. Một chút tối ưu về thiết kế bên ngoài mang lại cảm giác gọn, mỏng và mềm mại, cụ thể PA279CRV mỏng hơn 15.8 mm (44.1 mm so với 59.9 mm) và cũng nhẹ hơn đáng kể (5.78 kg so với 8.6 kg) gồm cả chân đế.
Chân đế của ProArt PA279CRV cũng thay đổi nhỏ, dĩ nhiên không mất đi các chức năng cơ bản như nghiêng, xoay, quay và điều chỉnh độ cao. Riêng tính năng quay dọc màn hình theo 2 bên vẫn giữ ± 90 độ, các khả năng khác đều giảm bớt 1 chút, góc nghiêng (+23 độ so với +35 độ) và xoay trái phải (±30 độ so với ±45 độ) hẹp hơn, trong khi điều chỉnh độ cao cũng ít hơn (130 mm so với 150 mm). Phần trụ cũng chuyển qua dạng ống tròn thay vì chữ nhật. Theo cá nhân mình thấy thì các điểm khác biệt này không quá đáng kể và gần như không ảnh hưởng gì tới trải nghiệm. Cơ bản vì chúng ta sẽ điều chỉnh trước rồi giữ cố định màn hình trong quá trình làm việc.
Nếu như PA279CV đem tất cả các nút nhấn điều khiển menu ra mặt trước đã là thiết kế đáng khen rồi, thì PA279CRV còn tối ưu nó tốt hơn nữa, đặc biệt là việc bổ sung joystick. Nút nguồn được đặt ở vị trí xa nhất so với góc phải màn hình, ngược lại nút joystick 5 chiều ở vị trí gần góc màn hình nhất. Nếu thường điều khiển menu OSD, bạn chắc sẽ thấy nút joystick rất tuyệt vời vì nó cho người dùng cảm giác về các hướng vô cùng tự nhiên. Ngoài ra, mình thấy đặt nút joystick ở vị trí sát góc màn hình rất dễ thao tác, vì thường chúng ta sẽ chỉnh joystick bằng ngón cái, các ngón còn lại thì đặt ở sau màn hình làm điểm tựa. Nếu joystick ở vị trí khác sẽ vướng hơn và trải nghiệm chỉnh không tốt bằng.
ASUS loại bỏ phần thước tích hợp ở cạnh dưới màn hình, mình thấy đây là quyết định hợp lý vì trong suốt quá trình sử dụng PA279CV để thiết kế đồ họa, rất rất hiếm trường hợp mình phải sử dụng thước đo này. Ngoài ra, PA279CRV cũng chuyển kiểu hoàn thiện nhựa dạng vân xước song song ra cạnh dưới phía trước, sau lưng là nhám sần, còn PA279CV thì ngược lại. Mình thấy cũng hợp lý luôn vì mặt trước mới cần đẹp để nhìn, mặt sau thì kệ nó đi.
ProArt PA279CRV vẫn tích hợp 2 loa công suất 2 W để “chống điếc”. Các cổng kết nối thì có nâng cấp, chẳng hạn như 2 cổng DisplayPort 1.4 (trước đây là DisplayPort 1.2), hub USB 4 cổng gồm 3 cổng Type-A và 1 cổng Type-C (trước đây là 4 cổng Type-A). Không chỉ vậy, cổng USB Type-C với DisplayPort Alt Mode có khả năng cấp nguồn Power Delivery công suất tới 96 W (trước đây là 65 W). Điều này cho phép người dùng có thể sạc lại những mẫu laptop cao cấp và “đói” nguồn hơn. Điện năng tiêu thụ trong chế độ hoạt động của PA279CRV (EPEAT Gold) thấp hơn PA279CV (EPEAT Bronze) cỡ 5.86 W (26.14 W so với 32 W), trung bình thì khoảng 17.78 W (PA279CV trung bình khoảng 42 W).
Khả năng hiển thị của PA279CRV vẫn là độ phân giải 4K UHD 3840 x 2160, tần số quét cơ bản 60 Hz, độ sáng 350 cd/m2 (HDR đỉnh 400 cd/m2). Tấm nền IPS của mẫu mới do AU Optronics cung cấp, cũng là 8 bit + FRC tương tự như tấm nền LG trên mẫu cũ. Dù vậy màn hình ProArt PA279CRV phủ dải màu rộng hơn nhiều, đạt 99% DCI-P3 và 99% Adobe RGB, chứng nhận Calman Verified và có ΔE<2.
Qua thử nghiệm nhanh của mình bằng thiết bị Spyder X Elite, ASUS ProArt PA279CRV sau khi được reset về mặc định thì đạt được độ phủ màu 100% sRGB, 99% Adobe RGB, 98% DCI-P3 và 97% NTSC. Độ sáng cao nhất ở 100% là 335.3 cd/m2, độ tương phản 840:1, Black 0.40 và White Point 7500.
So sánh về giá (trên website ASUS) giữa PA279CRV mới và PA279CV là 4 triệu đồng (16,990,000 đồng so với 12,990,000 đồng. Cách biệt này mang lại cho bạn 1 màn hình mới mượt mà hơn nhờ thiết kế mỏng và gọn gàng, chất lượng hiển thị tốt hơn khá nhiều và trải nghiệm điều chỉnh menu rất thoải mái.