Trải nghiệm ROG Strix G16 (2024): Hiệu quả và mạnh mẽ

ROG Strix G16 phiên bản năm 2023 đã được Tinh tế bình chọn là mẫu laptop gaming tốt nhất dành cho Esport, bất kì một mẫu laptop gaming nào cũng có thể chơi được game Epsort, nhưng nếu là một mẫu máy được dành cho trò chơi thể thao điện tử thì lại phải nhắc đến ROG Strix G16, lần này là phiên bản 2024. Dòng ROG Strix bao năm qua vẫn vậy, về cơ bản nó là một mẫu laptop tập trung vào hiệu năng và hiệu quả tản nhiệt và năm nay nó vẫn không làm mình thất vọng.

Năm nay có lẽ ROG Strix G16 tiếp tục sẽ là ứng cử viên nặng ký cho phân khúc laptop gaming cận cao cấp cho giải thưởng của năm 2024. Trước đây khi để lựa chọn các tiêu chí đánh giá một mẫu laptop có thể chơi tốt và được đo ni đóng giày cho game Esport thì Tinh tế bọn mình thường sẽ dựa vào hai tiêu chí quan trọng nhất là màn hình và cấu hình, mà ở cả hai điểm này, ROG Strix G16 đều thể hiện xuất sắc.

trai-nghiem-asus-rog-ROG-Strix-G16--04.jpg
Hơn 300 FPS cho Counter Strike 2.

Ảnh màn hình 2024-06-23 lúc 17.11.14.png
Năm nay cũng không ngoại lệ, khó có lí do gì để mà phiên bản năm 2023 đã làm tốt mà sang năm 2024 lại làm không tốt cả. Đúng là với trải nghiệm của mình, mọi thứ vẫn tốt như vậy và một trải nghiệm quen thuộc là điều mình có thể cảm nhận được. Đối với các mẫu laptop gaming như ROG Strix G16, CPUhay kể cả là GPU sẽ không có giới hạn gì về sức mạnh, tức là với khả năng của CPU và GPU như thế nào thì đều sẽ được thể hiện trọn vẹn trên mẫu máy này.
trai-nghiem-asus-rog-ROG-Strix-G16--01.jpg
500 FPS cho Valorant là chuyện rất bình thường trên ROG Strix, đã có sự hỗ trợ của MUX Switch.

ROG Strix G16 2024 với cấu hình Core i9-14900HX và RTX 4070 thì cũng không có lí do gì mà nó không chơi được các tựa game như CS2, Valorant hay Overwatch cả. Chìa khoá dành cho bộ phần cứng này để chơi Esport chính là MUX Switch cũng như NVIDIA Advanced Optimus, hai công nghệ đã xuất hiện trên laptop của ROG từ cách đây khá lâu.
trai-nghiem-asus-rog-ROG-Strix-G16--06.jpg
Hơn 100 FPS khi chơi Ghostrunner ở độ phân giải QHD, thiết lập đồ hoạ High settings, có Frame Gen.

Công dụng của MUX Switch có lẽ mình không cần nhắc lại nữa vì đã có nhiều chủ đề rồi, nói đơn giản thì nó sẽ cải thiện được con số FPS trong các tựa game Esport mà anh em chơi từ khoảng 10-20%, tương đương vài chục FPS chứ không đùa. Trong trò chơi thể thao điện tử, CPU đóng vai trò quan trọng hơn GPU nhưng giải pháp như MUX Switch lại đóng vai trò quan trọng không kém trong việc gia tăng trải nghiệm chơi game, trong bối cảnh những mẫu màn hình có tốc độ làm tươi 300Hz hay 500Hz đã không còn quá hiếm nữa.
[​IMG]
Các con số tương tự như mẫu ROG Strix SCAR 18 2024 hồi đầu năm.

trai-nghiem-asus-rog-ROG-Strix-G16--07.jpg
Core i9-14900HX tuy không phải là mẫu CPU cải thiện quá nhiều so với Core i9-13980HX, vẫn 170W điện đều đều và xung nhịp đơn nhân vẫn cao chót vót (5.7GHz), nhưng rõ ràng nó là bảo chứng cho việc mẫu laptop trang bị CPU này sẽ cân tốt mọi thể loại game hiện tại.

Có lẽ đây cũng sẽ là thế hệ CPU cuối cùng của Intel còn được đặt tên theo kiểu cũ, vì Intel Lunar Lake cuối năm nay sẽ thay đổi khá nhiều cách mà một mẫu CPU truyền thống hoạt động, cũng giống với Intel Meteor Lake thôi nhưng sẽ có những mẫu CPU hiệu năng cao chuyên dành cho các mẫu máy như ROG Strix G16. Nhưng mình nghĩ rằng Core i9-14900HX hoàn toàn đủ sức để anh em làm việc cũng như chơi game trong khoảng ít nhất là 2 năm nữa.
trai-nghiem-asus-rog-ROG-Strix-G16--06.jpg
Về RTX 4070, so với phiên bản năm ngoái mà Tinh tế từng đánh giá với RTX 4060, tuy không khác nhau về dung lượng VRAM cũng như xung nhịp không chênh lệch nhau là mấy, nhưng lượng nhân CUDA của RTX 4070 gần gấp rưỡi RTX 4060 và chỉ số AI TOPS theo công bố của NVIDIA thì RTX 4070 cũng cao hơn khá nhiều, điều đó chứng tỏ nếu anh em dùng để chạy các tác vụ AI, RTX 4070 sẽ tốt hơn.

Chơi game thì RTX 4060 Lapop và RTX 4070 Laptop không chênh lệch nhau quá nhiều, Esport thì quá đơn giản rồi, còn các tựa game thưởng thức cốt truyện như RDR 2 hay Alan Wake II thì phải thiết lập cài đặt hợp lý một chút để có cân bằng giữa đồ hoạ và tốc độ khung hình.
trai-nghiem-asus-rog-ROG-Strix-G16--05.jpg
Hệ thống tản nhiệt là điểm mình tiếp tục đánh giá cao trên ROG Strix G16 2024, thực ra thì hệ thống tản nhiệt của phiên bản 2024 và 2023 vẫn y như nhau thôi, 3 quạt tản nhiệt và không gian rộng rãi đã là chìa khoá giúp cho Core i9-13980HX và RTX 4060 có thể thoải mái bung lụa trên phiên bản 2023.

Nói lại với anh em về hệ thống tản nhiệt của ROG Strix G16, ngoài 3 quạt tản nhiệt và hệ thống thoát nhiệt được thiết kế lại kể từ phiên bản 2023, chúng ta sẽ có một tổ hợp các công nghệ và tính năng tản nhiệt của ROG Strix G16 gọi là ROG Intelligent Cooling System, ROG cũng đi đầu trong việc trang bị keo tản nhiệt kim loại lỏng cho laptop, vốn trước đây là giải pháp phổ biến trên PC. Hơn nữa, với hệ thống thiết kế thoát nhiệt kiểu toàn dải ở mặt sau như ROG Strix G16, lượng nhiệt nóng sẽ thoát ra ngoài nhanh hơn, nhiệt độ trong máy và khi chơi game hoặc làm tác vụ nặng sẽ thấp hơn, máy mát hơn.

Nhiệt độ khi chơi game của RTX 4070 chỉ loanh quanh 80 độ C trong khi Core i9-14900HX cũng chỉ khoảng 85 độ C với mình đã là quá ổn, đặc biệt nếu xét trên một mẫu laptop với tính di động cao. Khi benchmark thì nhiệt độ của CPU và GPU có cao hơn nhưng trong đa số các trường hợp sử dụng thông thường, nó đều không ảnh hưởng gì cả.

trai-nghiem-asus-rog-ROG-Strix-G16--04.jpg
Gần như là các thông số tương tự như phiên bản 2023, màn hình QHD+ 240Hz 100% DCI-P3, 100% sRGB và độ sáng peak 500 nits, thời gian phản hồi 3ms (GtG). Cũng không có gì phải phàn nàn về màn hình này để chơi game cả. Ngoại trừ các công nghệ tấm nền hiện tại hơn như mini LED hay OLED, người dùng chơi Esport sẽ tập trung vào các yếu tố đó là tốc độ làm tươi màn hình, thời gian phản hồi của màn hình có đáp ứng được với phản xạ của họ trong game hay không.
trai-nghiem-asus-rog-ROG-Strix-G16--11.jpg
Không chỉ là đáp ứng tốt cho nhu cầu gaming, màn hình của ROG Strix G16 còn đáp ứng tốt cho nhu cầu làm việc về màu sắc. Delta E trung bình của màn hình ROG Strix G16 chỉ là 1.8 và cao nhất là cũng chỉ 3.6, khá là phù hợp để làm các công việc đồ hoạ, dải màu AdobeRGB cũng gần 90% và nếu so với một tấm nền chuyên cho công việc đồ hoạ thì cũng không chênh lệch quá nhiều.

Có một điểm nho nhỏ trên màn hình của ROG Strix G16, với mẫu của mình đang thử nghiệm thì phần cạnh trái của màn hình tối hơn so với khu vực trung tâm.

trai-nghiem-asus-rog-ROG-Strix-G16--25.jpg
Đó là điểm mình thấy đáng tiếc nhất trên mẫu máy này, khi nó thiếu đi giải pháp như bảo mật vân tay, khuôn mặt hay mống mắt. So với các mẫu ultrabook thì mình cũng không hiểu sao các nhà sản xuất lại bỏ qua yếu tố này khi ra mắt một mẫu laptop gaming, chỉ số rất ít các nhà sản xuất mới trang bị tuỳ chọn này mà trong khi mình thấy rằng, đây là điều vô cùng cần thiết. Năm 2024 rồi và thật khó để biện minh cho việc một mẫu laptop với mức 60 triệu mà lại chỉ có duy nhất giải pháp nhập mã PIN.

trai-nghiem-asus-rog-ROG-Strix-G16--22.jpg
Đối với dòng ROG Strix, bạn sẽ bắt gặp một thiết kế rất quen thuộc từ nhiều năm qua, không có thay đổi gì nhiều, đặc biệt với phiên bản tiền nhiệm.
trai-nghiem-asus-rog-ROG-Strix-G16--24.jpg
Máy vẫn giữ được cân nặng khoảng 2.3kg và hoàn thiện chắc chắn, máy không mỏng và cổng kết nối đầy đủ bao gồm USB-C Thunderbolt 4, USB-A, cổng 3.5mm, cổng LAN và HDMI. Cổng sạc DC cũng đặt ở cạnh trái để không bị vướng víu trong quá trình mà bạn dùng chuột để chơi game.
trai-nghiem-asus-rog-ROG-Strix-G16--45.jpg
Mặt A vẫn là nhôm và phần còn lại là nhựa, tuy nhiên nhựa này có độ bền cao và chịu được nhiệt độ cao trong thời gian dài. Mình có một người bạn sử dụng mẫu Zephyrus M15 đã rất lâu rồi nhưng đến bây giờ mẫu laptop đó của bạn mình trông vẫn còn khá mới và chưa có dấu hiệu xuống cấp nhiều về mặt ngoại hình.
trai-nghiem-asus-rog-ROG-Strix-G16--38.jpg
ROG Strix là mẫu laptop gaming có thiết kế đẹp, nổi bật nhưng nếu thích một thiết bị mang tính thời trang và mỏng, nhẹ hơn, bạn có thể lựa chọn dòng Zephyrus, còn với ROG Strix họ luôn đề cao về tính hiệu quả, của cả tản nhiệt và hiệu năng, chính vì thế nó sẽ không thể có thiết kế mỏng nhẹ được như Zephyrus.
trai-nghiem-asus-rog-ROG-Strix-G16--32.jpg
Bàn phím & touchpad vẫn xuất sắc trong phân khúc, hành trình phím sâu (1.7mm), độ nảy cực tốt (rất quan trọng khi chơi game), layout hợp lý, LED RGB với nhiều hiệu ứng, touchpad phủ kính tracking mượt mà, nhạy là những điểm mình có thể thấy được khi sử dụng mẫu laptop này được 1 tuần.
trai-nghiem-asus-rog-ROG-Strix-G16--28.jpg
Tuy nhiên thì ở khía cạnh người dùng cá nhân, mình vẫn mong muốn một sự thay đổi mới mẻ hơn ở thiết kế của ROG Strix, trong vài năm qua dường như chỉ thay đổi một tí xíu ở một vài chi tiết, có lẽ ASUS ROG nên bắt đầu nghĩ đến tìm một thứ gì đó mới cho dòng laptop gaming chủ lực của mình. Dĩ nhiên cái khó là vẫn giữ được DNA trong sản phẩm nhưng mình tin là ASUS sẽ tìm ra được một giải pháp.

trai-nghiem-asus-rog-ROG-Strix-G16--34.jpg
Viên pin 90Whr giúp cho ROG Strix G16 có thể sử dụng được khoảng 4 đến 4.5 tiếng ở vai trò là một mẫu ultrabook Windows thuần tuý, tức là sử dụng cho các nhu cầu hết sức bình thường, không gaming. Đây là con số mình cho là ổn đối với một mẫu laptop gaming, bởi vì ngay cả khi tắt RTX 4070 thì Core i9-14900HX vẫn là mẫu CPU tiêu tốn nhiều điện năng, không giống như các mẫu vi xử lý hướng đến tiết kiệm điện thuần ngay từ đầu như Meteor Lake, Raptor Lake-P hay Alder Lake-P trước đây.

trai-nghiem-asus-rog-ROG-Strix-G16--29.jpg
Nếu chỉ để chơi Esport thì quá đơn giản và dễ dàng với ROG Strix G16, nhưng chúng ta đâu chỉ mua máy để chơi mỗi game, hoặc chỉ chơi 1 thể loại game duy nhất, xét ở các khía cạnh tổng thể của một mẫu laptop gaming, ROG Strix G đáp ứng rất tốt, đặc biệt ở hai yếu tố quan trọng nhất: Hiệu năng & tản nhiệt.
trai-nghiem-asus-rog-ROG-Strix-G16--43.jpg
ROG Strix series, dù là bản G hay bản SCAR đều mang một DNA giống nhau, cả hai sau nhiều năm vẫn chưa bao giờ làm cho người dùng nghi ngờ hay thất vọng. Một điều minh chứng cho việc vì sao đến bây giờ các mẫu laptop gaming như ROG Strix G hay Strix SCAR vẫn còn tồn tại và “sống tốt” đó là ở dịp Computex 2024 vừa rồi, mình bắt gặp rất nhiều mẫu lapotp gaming ở cùng phân khúc với ROG Strix hay chính bản thân mẫu máy này xuất hiện trong giới media để phục vụ nhu cầu công việc. Một mẫu ultrabook đơn thuần sẽ khó mà đảm đương được khối lượng công việc dày đặc và liên tục trong vòng 4 ngày sự kiện, bao gồm cả edit video, edit hình ảnh và biên tập nội dung.

Nguồn: Tinhte.vn