Trải nghiệm MSI RTX 3090 Gaming X Trio giá 50 triệu
RTX 3090 Gaming X Trio là chiếc card màn hình đầu bảng của MSI và mình đã mượn được cả dàn máy MSI cùng với chiếc card này để chia sẻ với anh em những trải nghiệm nhanh về nó. Bỏ ra mức giá đến 50 triệu thì anh em có được gì với RTX 3090 Gaming X Trio nếu xét về khía cạnh chơi game.
Nguồn bài viết: Tinhte
Thiết kế của MSI GeForce RTX 3090 Gaming X Trio:
So với các dòng Gaming X trước thì phiên bản RTX 3090 Gaming X Trio lần này được MSI làm đẹp hơn. Thử so với RTX 2080 Ti Gaming X Trio đời trước thì MSI đã đổi toàn bộ thiết kế lẫn hệ thống quạt, đèn RGB tại cạnh bên của card là một dải liền khá đẹp, không còn thiết kế đèn chiếu sáng logo MSI và dòng chữ Geforce như thế hệ trước. Thêm vào đó xen giữa các quạt có các vệt đèn nhỏ, nhìn chung nó sẽ đẹp khi dựng card đứng.
Bên dưới 3 quạt tản nhiệt này là heatsink rất dày với các lá fin được cắt thành dạng sóng, mục tiêu là để triệt tiêu những luồng khí “đi lạc” và cũng là giải pháp để giảm tiếng ồn bởi các luồng khí này sẽ không rít qua bề mặt heatsink từ đó tạo ra tiếng ríu ríu. Chịu trách nhiệm đưa luồng nhiệt từ GPU GA102 ra heatsink là các ống đồng được cắt chính xác để tạo bề mặt tiếp xúc trực tiếp lên GPU.
Với kích thước 323 x 140 x 56 mm, RTX 3090 Gaming X Trio chiếm 2 slot và cũng dài hơn khá nhiều so với một chiếc card đồ họa 2 quạt thông thường vậy nên anh em cần phải lưu ý về case. Thêm vào đó trọng lượng của card là 2,37 kg và để chống “xệ” dẫn đến cong PCB thì MSI đã thiết kế các thành phần để gia cố bao gồm phần khung chống cong tích hợp sẵn vào card, nó bao phủ toàn bộ PCB và dính liền với bracket để bắt vào thùng máy.
Thêm vào đó MSI có tặng kèm một chiếc chân chống để gia cố card, nó được bắt song song với card thay vì dựng đứng trong thùng máy thế nên ngoài việc giữ cho card luôn thẳng thì nó cũng phần nào che đi khoảng trống bên dưới khiến dàn máy trông đầy đặn hơn.
Backplate của card được làm bằng kim loại và bên dưới miếng kim loại này có thêm 2 ống đồng để tản nhiệt cho bộ nhớ GDDR6X, nhiệt dẫn trực tiếp lên bề mặt backplate. Thiết kế này không thường thấy nhưng sẽ trở nên phổ biến từ thế hệ RTX 30 series bởi trên PCB của bo dòng RTX 3090 sẽ có 24 con chip GDDR6X của Micron, mỗi con 1 GB (tổng 24 GB) và được chia thành 2 mặt. Do có 12 con ở mặt sau nên nó cũng phải được tản nhiệt tốt, 12 con ở mặt trước PCB nằm cùng hướng GPU sẽ được tản nhiệt bởi heatsink chính.
Còn đây là ngàm bắt heatsink, phần khung chữ X rỗng ở trong để lộ các tụ lọc tần số cao – thứ đang gây tranh cãi và được cho là nguyên nhân khiến card làm văng game khi chạy ở xung trên 2000 MHz. MSI thiết kế các tụ này với 4 tụ SP-CAP và loạt tụ gốm MLCC nằm giữa.
MSI vẫn dùng kết nối nguồn ATX tiêu chuẩn trên phiên bản Gaming X Trio thay vì 12-pin MicroFit của Nvidia, tuy nhiên sẽ cần đến 3 cổng 8-pin và điều này báo hiệu độ ăn điện của RTX 3090.
I/O sau của phiên bản RTX 3090 Gaming X Trio có 3 cổng DisplayPort và 1 cổng HDMI 2.1, không còn cổng USB-C như thế hệ RTX 20 series.
Chiếc card chiếm 2 slot, dải đèn RGB ở rìa trước và phần có nắp che màu đen bên trái dải đèn này là kết nối NVLink cho đa GPU. Trên thế hệ RTX 30 series thì chỉ có RTX 3090 có kết nối này, RTX 3080 trở xuống không có.
Nhìn chung từ cảm nhận bên ngoài tới nội lực của GA102 thì mình kỳ vọng RTX 3090 Gaming X Trio sẽ mang lại hiệu năng chơi game cực tốt bởi RTX 3090 đang là flagship của Nvidia.
Nói chút xíu về RTX 3090 thì con GPU nằm bên dưới lớp heatsink to nạc kia là GA102 với biến thể GA102-300-A1 (RTX 3080 cũng là GA102 nhưng biến thể GA102-200-KD-A1). GA102 trên RTX 3090 là phiên bản “gần đầy đủ” bởi nó có 82 SM (biến thể trên RTX 3080 cắt xuống còn 68 SM), trong khi đó con GA102 hoàn chỉnh có 84 SM và chưa rõ phiên bản hoàn chỉnh này sẽ xuất hiện trên dòng card nào tiếp theo của Nvidia. Với 82 SM, GA102-300-A1 cho 10496 nhân nhân CUDA, 328 nhân Tensor và 82 nhân RT, nhiều hơn đáng kể so với RTX 3080 và đây cũng là biến thể GPU có số nhân CUDA nhiều nhất từ trước đến nay trong dòng GeForce cho game thủ. Các nhân Tensor và RT trên thế hệ Ampere cũng đã được cải tiến rất nhiều và nó cho hiệu năng cao hơn 2 lần so với thế hệ trước. Việc có đến 328 nhân Tensor (so với 272 nhân của RTX 3080) và 82 nhân RT (so với 68 nhân của RTX 3080) sẽ giúp RTX 3090 cho trải nghiệm chơi game ở thiết lập đồ họa Ray Tracing và DLSS tối đa với khung hình cao hơn.
Hiệu năng chơi game của MSI GeForce RTX 3090 Gaming X Trio:
Trên chiếc màn hình MSI Optix MAG Series (2K, 165 Hz, 1 ms) thì mình đã test một loạt các game AAA và cảm nhận đơn giản đó là: Cứ vào game, có thiết lập đồ họa nào thì bật tối đa lên và chơi thôi. Kết quả không ngoài dự đoán, ở thiết lập đồ phân giải 2K và đồ họa tối đa thì RTX 3090 có thể dễ dàng cho tỉ lệ khung hình trên 100 fps. Lúc này thì mình thấy việc sở hữu một chiếc màn hình 2K, tốc độ quét cao có ý nghĩa hơn bởi với thế hệ RTX 20 series trước thì việc kéo game ở độ phân giải 2K, đồ họa tối đa đặc biệt là có Ray Tracing thì tỉ lệ khung hình trên 100 fps rất khó.
Control:
Đây là tựa game hành động góc nhìn thứ 3 với kiểu đồ họa tựa tựa như Quantum Break. Tuy nhiên, Control đẹp hơn nhiều bởi nó khai thác Ray Tracing và được cho là ứng dụng gần như đầy đủ nhất các tính năng của RTX. Với tựa game này thì với độ phân giải 2K, thiết lập đồ họa tối đa và chất lượng Ray Tracing tối đa cùng DLSS bật thì RTX 3090 có thể cho tỉ lệ khung hình trung bình 108.4 fps.
BF5 là một trong những tựa game đầu tiên hỗ trợ Ray Tracing, được ra mắt cùng với RTX 20 series. Với RTX 3090 thì việc chơi BF5 với đầy đủ các thiết lập đồ họa cao ở độ phân giải 2K rất dễ dàng, trung bình 107.6 fps.
Ở thiết lập đồ họa tối đa, phân giải 2K, khử răng cưa 16x với DLSS bật và Ray Tracing mức High, chúng ta có thể chơi ở tỉ lệ khung hình trên 110 fps.
Thiết lập đồ họa Highest, Ray Tracing High thì RTX 3090 cho 127 fps trung bình.
Tựa game bắn súng mình thích nhất giờ có thể thoải mái chơi max settings với tỉ lệ khung hình trên 139 fps.
Đi đập phá thành phố với tỉ lệ khung hình 105 fps, đồ họa tối đa. Nếu chỉnh thêm đồ họa trong phần Advanced Graphics thì trung bình được 95 fps.
Tựa game này dùng API Vulkan và nó cho tỉ lệ khung hình cực cao, trung bình 147 fps ở phân giải 2K, đồ họa Mein Liebe!
Với tựa game này anh em nên chỉnh sang DirectX 12 để có khung hình cao hơn, đồ họa Badass với độ phân giải 2K thì RTX 3090 cho 109 fps, đồ họa Ultra cho 115 fps.
Với 3 quạt tản nhiệt với tốc độ vòng quay đến trên 3200 rpm và hệ thống tản nhiệt to dày nhiều ống đồng, RTX 3090 Gaming X Trio có nhiệt độ tối đa khi stress FurMark ở 74 độ C và khi nghỉ, nó có nhiệt độ ở 39 độ C. Mức nhiệt độ hoạt động này có thể nói là mát mẻ đối với RTX 3090.
Mình có thử đẩy xung của GPU và VRAM lên để stress thử với FurMark thì mức xung cao nhất đạt được là 2250 MHz và xung GDDR6X lên 9800 MHz. Giới hạn power của chiếc card này ở khoảng 385 W, hệ thống tản nhiệt vẫn giữ cho GPU ở mức dưới 80 độ C.