Trải nghiệm ASUS Gaming Vivobook (K3605): Laptop văn phòng nhưng cấu hình gaming phục vụ đa nhu cầu
ASUS Gaming Vivobook (K3605) hiện có nhiều phiên bản cấu hình, trong đó phiên bản cao nhất với nền tảng Intel Core i5-12500H và RTX 4050, 16GB RAM cũng như 512GB SSD được bán với mức giá 28.5 triệu đồng, nhưng nếu bạn tìm kiếm tại một số đại lý thì mức giá có thể sẽ thấp hơn. Đây là mẫu laptop mình đánh giá đáp ứng khá tốt cho nhu cầu học tập.
Hiệu năng của Gaming Vivobook (K3605) như thế nào?
Core i5-12500H vốn là một mẫu CPU hiệu năng cao, ngày xưa từng được trang bị trên nhiều mẫu laptop gaming mà điển hình của ASUS là ROG Strix G và ROG Strix SCAR trước đây. Với một thân hình như Gaming Vivobook (K3605), Core i5-12500H vẫn có thể “ăn” đến hơn 70W điện khi chạy ở chế độ Turbo (Performance mode), ổn định ở 50W, nhiệt độ CPU khi full tải khoảng 90 độ C và nó duy trì được trong khoảng thời gian tương đối dài, phù hợp cho các bạn sử dụng laptop cho những tác vụ nặng kéo dài.
Qua một số thử nghiệm của mình thì mình vẫn khá yên tâm về hiệu suất của Core i5-12500H trong khoảng 1-2 năm nữa, nếu chỉ đơn thuần bạn dùng laptop cho nhu cầu học tập thì mẫu CPU này vẫn đáp ứng tốt.
Nếu muốn chơi game tốt hơn, RTX 4050 có thể giúp bạn chơi game giải trí sau giờ học, sau giờ làm, game Esport thì quá dễ còn với các tựa game bom tấn hiện nay như Black Myth Wukong chẳng hạn, RTX 4050 vẫn cho bạn trải nghiệm được nhờ các công nghệ mới như DLSS 3 hay Frame Gen. Bên cạnh đó, Gaming Vivobook (K3605) vẫn có MUX Switch, công nghệ này sẽ phát huy tối đa hiệu quả khi bạn chơi game Esport.
Mình chơi Wukong trên Gaming Vivobook (K3605) ở độ phân giải 1080p, low settings và nhờ DLSS + Frame Gen mà nó có thể chơi được trung bình 110 FPS, ngay cả những pha combat quái thì mức FPS cũng ổn định ở khoảng 100. Giới hạn của RTX 4050 nằm ở dung lượng VRAM khá thấp, còn lại thì nó vẫn thừa hưởng được các công nghệ mới như những mẫu GPU RTX 40 series mạnh mẽ hơn.
Các mẫu GPU RTX 40 series cũng đáp ứng cho nhu cầu sử dụng AI tốt hơn, cho nên nếu bạn có sở thích vọc AI hoặc bắt đầu tiếp cận AI, RTX 4050 cũng cho bạn được trải nghiệm ổn, với các công cụ như Stable Diffusion để tạo ảnh, LM Studio để dùng chatbot offline, khá đáng tiếc là ChatRTX của chính NVIDIA lại yêu cầu dung lượng VRAM từ 8GB trở lên nên RTX 4050 không sử dụng được.
Ngoài Wukong thì mình cũng thử nghiệm một số tựa game khác thì RTX 4050 55W trên Gaming Vivobook (K3605) vẫn đủ ổn định để chơi, dĩ nhiên với mức thiết lập đồ hoạ vừa phải. Nhiệt độ của GPU khi hoạt động chỉ ở mức 75 độ C (trung bình) và cao lắm thì cũng 81-82 độ C mà thôi.
Hệ thống tản nhiệt của Gaming Vivobook (K3605) bao gồm 1 quạt tản nhiệt 87 cánh, 2 ống đồng và hai khe thoát nhiệt, hiệu quả hoạt động của hệ thống này mình đánh giá là ổn, khi tải nặng thì sẽ khá ồn nhưng độ ồn nhưng cũng không quá “gầm rú” như những mẫu laptop gaming khác. Dĩ nhiên ASUS cũng phải “cân đo đong đếm” làm sao để hệ thống này, khung máy của Gaming Vivobook (K3605) có thể cáng đáng được hiệu năng của CPU và GPU, nên nếu nói đây là mẫu laptop có hiệu năng “khủng” thì không đúng, nó chỉ ở mức khá mà thôi, chúng ta còn nhiều yếu tố khác cần phải xét đến, vì đây không phải là mẫu laptop gaming thuần tuý.
Thời lượng dùng pin của Gaming Vivobook (K3605) ra sao?
Dung lượng pin trên Vivobook (K3605) là 70Whr và thời lượng sử dụng pin của mẫu máy này theo nhu cầu của mình là khoảng 3 tiếng, nếu không dùng đến RTX 4050 thì sẽ được gần 4 tiếng đồng hồ.
Thiết kế & màn hình
Với dòng Vivobook (K3605), ASUS có nhiều tuỳ chọn màn hình, phiên bản mình đang sử dụng trong bài này là tấm nền IPS 16-inch FHD 1920 x 1200 pixel, độ sáng peak 300 nits và đạt khoảng 65% dải màu sRGB, độ tương phản 1100:1. Nhìn chung thì màn hình của Vivobook (K3605) đủ để chơi game và làm việc, học tập cơ bản, nhưng nếu đạt 100% sRGB thì sẽ tốt hơn.
Máy sẽ được hoàn thiện chủ yếu là nhựa, phần mặt A là kim loại, ASUS sử dụng nhựa PC với độ bền cao và khi sử dụng thì không bị flex quá nhiều, khung máy khá chắc chắn. Đặc biệt bạn sẽ cảm nhận rõ ràng khi cầm máy hoặc nhấc máy lên từ mặt bàn, không có tiếng ọp ẹp phát ra như những mẫu laptop hoàn thiện bằng nhựa nhưng các khớp nối không chắc chắn.
Phần bản lề này sẽ khó mở máy bằng 1 tay, ASUS sử dụng bản lề ở giữa, kiểu bản lề này sẽ giữ máy chắc hơn mặc dù phần màn hình của Vivobook (K3605) khá nặng và nếu là kiểu bản lề hai bên thì sẽ càng khó giữ cho màn hình không bị rung lắc khi gõ bàn phím.
Với cân nặng 1.8kg cho một mẫu laptop 16-inch thì cũng không phải vấn đề quá lớn, nếu xét trên thông số thì nó còn nhẹ hơn cả chiếc Zephyrus G16 (1.85kg), mặc dù nó dày hơn (18.9mm) so với Zephyrus G16 nhưng so với các dòng laptop Vivobook của ASUS thì mức độ hoàn thiện cũng không hề tệ, như mình đã nói, các khớp nối được làm khá chắc chắn và các lỗ khoét ở các cổng kết nối cũng đều và không bị dư thừa.
Nói về cổng kết nối thì rất đầy đủ cho nhu cầu sử dụng của đa số người dùng: USB-C Thunderbolt 4, USB-A 3.2 Gen 1, HDMI, jack 3.5mm và thậm chí là có cả khe thẻ SD, điều mà mình luôn thích khi nó xuất hiện trên laptop.
Bàn phím và touchpad cũng là hai yếu tố mình thích của Vivobook (K3605), trước tiên với touchpad mình thấy khả năng tracking của nó khá tốt, chính xác, mặc dù là touchpad phủ nhựa, cảm biến vân tay cũng được tích hợp vào touchpad, cảm biến khá nhanh và nhạy, unlock máy nhanh.
Kế đến là bàn phím có đèn nền, hành trình vừa đủ sâu và độ nảy khá tốt, layout quen thuộc của ASUS, chỉ có điều là keycap phím số numpad nhỏ hơn so với phần còn lại.
Nhìn chung thì thiết kế của Vivobook (K3605) không khác biệt gì so với dòng Vivobook nói chung, mặc dù về bản chất có thể xem nó là một mẫu laptop gaming, nhưng chúng ta sẽ không thấy sự gaming ở đâu cả. Nếu bạn nào không thích sự chú ý quá nhiều, đặc biệt là các bạn sinh viên hay nói với bố mẹ rằng “mua máy này về học chứ không chơi game đâu” sẽ thấy Vivobook (K3605) như một sự lựa chọn đúng đắn. Nhưng với cá nhân mình, mình muốn một cái gì đó nổi bật hơn một chút, có điểm nhấn hơn một chút nữa.
Tạm kết
Với mức giá 28.5 triệu như công bố của ASUS, với cá nhân mình thì so với cấu hình, hiệu năng, tản nhiệt thì đây là mức giá khá tốt để bạn sở hữu một chiếc laptop có thể giúp bạn vừa học mà cũng có thể giải trí với các tựa game yêu thích sau giờ học cũng được, đó là giá trị của một chiếc laptop có cấu hình mạnh so với một chiếc ultrabook. Còn nếu bạn đang tìm kiếm một chiếc laptop đáp ứng nhu cầu học, giải trí sau giờ học nhưng không phải là game thì sẽ có một số dòng máy ultrabook mỏng, nhẹ, thời lượng pin tốt hơn để lựa chọn trong tầm giá này, như các dòng Vivobook mỏng, nhẹ của ASUS chẳng hạn, hoặc thậm chí là một chiếc Zenbook.