Thử một lần không ngoan để sống đúng đam mê
Thử một lần không ngoan để sống đúng đam mê
TTO – Không nghe theo sự sắp xếp của cha mẹ, người trẻ hiện nay luôn sẵn sàng tự chọn lối đi cho riêng mình.
Cuộc sống trước tuổi 20 của học sinh Việt hầu hết theo quy luật: tiểu học, trung học, rồi đại học hoặc cao đẳng. Trong khi trẻ em phương Tây từ nhỏ đã được tạo dựng nếp sống tự lập, những đứa con ngoan Việt Nam luôn chịu sự sắp đặt của gia đình.
Việc chọn trường, chọn nghề của giới trẻ Việt thường phụ thuộc vào quan điểm và định hướng của bố mẹ. Những ngành nghề được các bậc phụ huynh chỉ định thường dựa vào quan hệ của gia đình hoặc đem lại sự ổn định.
Bố mẹ luôn muốn chắc chắn về tương lai
Nguyễn Sỹ Đức (sinh năm 1995, Bắc Ninh) từng là một điển hình “bố mẹ đặt đâu con ngồi đấy”. “Năm mình thi đại học, gia đình khuyên theo ĐH Luật Hà Nội. Sau một thời gian, mình thấy không hợp nên tự ý chuyển qua khoa Công nghệ Thông tin ĐH Đại Nam. Chuyện đã lỡ, trời không chịu đất thì đất phải chịu trời. Bố mẹ cho phép mình học công nghệ thông tin nhưng phải là trường công lập, nổi tiếng. Mình phải thi lại vào Học viện Bưu chính Viễn thông”.
Khoảng cách thế hệ khiến suy nghĩ về tương lai khác nhau. Phụ huynh thế hệ 6X, 7X có những tính toán lâu dài hơn về đời sống. Ở thời của họ, có được một công việc bàn giấy ổn định là niềm mơ ước của bao cử nhân. Nhưng ở thời hiện đại, sự ổn định không còn thoả mãn được những tâm hồn giàu hoài bão.
* Khi ta sống cuộc đời mà người khác muốn
“Ông em, ba em đều muốn em theo nghề truyền thống của gia đình, vì muốn chắc chắn về tương lai, sau này không phải chịu khổ. Mọi người chỉ muốn em học gần nhà cho an toàn. Em lại muốn học thiết kế đồ hoạ. Lúc đầu ba em không cho, em bỏ nhà đi bụi hơn 1 tháng mới về”, Nguyễn Tâm Hùng (18 tuổi, Quảng Nam) tâm sự sau khi trải qua kỳ thi đại học cam go.
Hùng không phải trường hợp hiếm hoi đấu tranh vì mơ ước. Suốt 12 năm đi học, ai cũng phải sống theo hành trình giống nhau. Nhưng thế hệ 9X vốn cá tính, khác biệt, chẳng chịu đi theo con đường đã sắp sẵn.
Lồng nhỏ sao giữ được chim lớn
Lo nghĩ của bố mẹ cho tương lai nhiều khi lại là “xiềng xích” đối với con cái. Giờ đây, “lồng nhỏ sao giữ được chim lớn”. Sau khi nghiêm túc học được 2 năm ở trường Bưu chính, Sỹ Đức dần nhận ra đam mê khác lớn hơn.
“Sau khi hoàn thành hành trình đạp xe vòng quanh Tây Bắc hơn 2.000km, mình nhận ra niềm đam mê xê dịch. Mình quyết định bỏ ngang ĐH để đi làm trong ngành du lịch”, Đức chia sẻ về bước ngoặt thứ hai.
“Đương nhiên gia đình mình phản ứng rất dữ dội. Mình bị triệu tập về Bắc Ninh. Các cụ mắng: Cho mày ăn học để làm việc nhẹ nhàng, giờ lại chọn cái việc phải đi suốt, vừa mệt, vừa nguy hiểm”.
Cuộc đấu tranh với gia đình của Tâm Hùng cũng không dễ thở hơn. “Em không chịu liên lạc về nhà trong suốt hơn một tháng. Ngoài chuyện muốn ba đồng ý, điều em cần hơn là mọi người hiểu được quyết tâm và mong muốn của em”.
* Đâu phải ai cũng muốn làm bác sĩ
Trước sự quyết liệt của người trẻ, các thế hệ trước cũng phải thích nghi dần với những khái niệm mới.
Với 9X, nghề nghiệp không chỉ có giáo viên, bác sĩ, kỹ sư, hành chính, văn thư… Freelancer, sale, tour guide, food blogger, beauty blogger… mới là những công việc quen thuộc với họ. Chúng không thể đảm bảo yếu tố an toàn cả đời, nhưng có thể thỏa mãn khao khát khám phá và sáng tạo.
Sau khi giải thích cặn kẽ, Sỹ Đức được gia đình chấp thuận cho theo nghề hướng dẫn viên du lịch. Tâm Hùng cũng may mắn được bố mẹ động viên sau khi họ hiểu kỹ hơn về nghề thiết kế đồ họa.
Trong cuộc chiến quan điểm, sự kiên trì của người trẻ và sự lắng nghe của gia đình luôn là liều thuốc hữu hiệu, thu hẹp khoảng cách thế hệ. Cái tôi nổi bật của thế hệ hôm nay, dẫu có làm tổn thương gia đình, thúc đẩy họ thử một lần làm trẻ không ngoan.
Chúng ta chỉ có một cuộc đời để sống, không sống cuộc đời của chính mình thì làm gì? Chẳng khác gì sinh ra và sống cho cuộc sống của người khác. Vì vậy, em nghĩ làm những gì mình yêu thích, mặc dù có thể thất bại hay thành công, ít ra cũng có cuộc sống của mình.
Nguyễn Tâm Hùng