Test tốc độ chép file của một số mẫu SSD di động: Lacie, Kingston, Samsung, WD

SSD gắn ngoài đã xuất hiện từ lâu và theo bước phát triển của công nghệ thì tốc độ cũng ngày một cao hơn. Mình mới gom được một số mẫu SSD gắn ngoài từ những giao thức phổ thông đến Thunderbolt, cả loại box SSD Thunderbolt của một số anh em mod Tinh tế và thử nghiệm đo tốc độ đọc ghi của các mẫu SSD này, dựa trên nhu cầu công việc của mình xem mẫu SSD nào tốt để mình sắm.

Các mẫu SSD gắn ngoài mình có trong bài này bao gồm:

  • Samsung T7 Shield 4TB
  • Lacie Rugged SSD Pro 4TB.
  • Box OWC Envy Express + Intel 660p 2TB.
  • Kingston XS2000 500GB.
  • Box Thunderbolt 3 Orico + WD Black SN750 1TB.


Các thử nghiệm của mình bao gồm:

  • Chép file với các dung lượng khác nhau từ laptop qua ổ cứng và ngược lại, sau đó đo thời gian.
  • Thử tốc độ đọc ghi bằng phần mềm: Blackmagic Disk Speed Test, AJA, ATTO Disk Benchmark.
  • Đo nhiệt độ trong quá trình hoạt động.


Thiết bị dùng để chứa file test: MacBook Pro 14-inch M1 Pro 1TB.

Các file dùng để test:

  • Folder ảnh raw Fujifilm X-T4 90 tấm 5.2GB.
  • Folder game Escape from Tarkov 31.37GB với hơn 4000 file.
  • Folder game Red Dead Redemption 128.26GB với hơn 6000 file.


Đây là các folder mình dùng hàng ngày cho nhu cầu công việc thực tế, đại diện cho việc chép hình ảnh và chép file game, dĩ nhiên mỗi người sẽ có nhu cầu khác nhau nhưng mình muốn thử với hàng ngàn các file nhỏ thì các mẫu SSD kể trên sẽ đọc ghi như thế nào, đó mới là điều quan trọng.


SAMSUNG T7 Shield và Kingston XS2000 là hai mẫu SSD có giao thức thấp nhất trong số những mẫu SSD gắn ngoài trong bài test này, XS2000 là giao thức USB 3.2 gen 2×2, tức là tốc độ lý thuyết tối đa là 20Gbps, còn T7 Shield là chuẩn USB 3.2 gen 2, tức tốc độ lý thuyết tối đa là 10Gbps. Còn đọc ghi tuần tự của XS2000 là 2000MB/s và T7 Shield là 1050MB/s. Cả hai đều tương thích tốt với cả macOS và Windows, có phần mềm riêng để quản lý và cập nhật firmware.

Mình rất thích ổ Kingston XS2000 vì nó nhỏ gọn, cực kì gọn luôn mà tốc độ lại cao, chỉ có điều là nó kén phần cứng vì phải tìm đúng chuẩn USB 3.2 gen 2×2 hoặc cao hơn thì mới khai thác được tối đa tốc độ đọc ghi của nó. Đó là chưa kể, khi mình thử nghiệm thì phải đưa về chuẩn exFAT thì mới lên được 2000MB/s đọc/ghi tuần tự, còn NTFS hay FAT32 thì chỉ tối đa là 1000MB/s.

T7 Shield thì thuộc dòng SSD gắn ngoài quá nổi tiếng của Samsung là T-series, mà phổ biến nhất anh em hay dùng là T5. T7 Shield là dòng bền bỉ hơn của T7, đạt tiêu chuẩn kháng nước/bụi IP65 và chống rơi vỡ ở độ cao tối đa 3m.


Tốc độ lý thuyết của Samsung T7 Shield 4TB.

T7 Shield sử dụng NAND Flash, DRAM và các linh kiện khác hoàn toàn của Samsung nên tiêu chuẩn được kiểm soát chặt, trọng lượng cũng nhẹ chỉ 98g, nhỏ gọn và bảo hành 36 tháng, không bằng Kingston với mẫu XS2000 là 60 tháng.

Tốc độ lý thuyết của Kingston XS2000 500GB.

Đi vào các bài test với hai mẫu SSD gắn ngoài này, kết quả anh em có thể thấy ở bảng dưới, với cùng một folder dung lượng như nhau là 31.37GB, XS2000 khi hoạt động với máy Mac chỉ tối đa 1000MB/s đọc/ghi tuần tự mà thôi, chỉ khi kết nối với máy tính Windows thì mới lên được 2000MB/s, anh em lưu ý.
Ảnh màn hình 2024-03-06 lúc 14.33.53.png
Tuy vậy khi test đến bài test folder Red Dead Redemption 2 thì mình mới phát hiện ra XS2000 không phù hợp để làm ổ cứng chép game, không phải vì dung lượng chỉ có 500GB mà vì tốc độ đọc ghi ngẫu nhiên của XS2000 chỉ khoảng 155MB/s và ghi chép folder game với hơn 6000 ngàn file nhỏ thì XS2000 chép rất lâu, mất tổng cộng 16 phút phút để chép xong folder game trên.

Nhiệt độ cao nhất của T7 Shield khi hoạt động là 40 độ C ở vỏ ngoài (50 độ C ở bên trong), còn XS2000 là 42 độ C, riêng nhiệt độ bên trong của XS2000 đạt đỉnh là 59 độ C khi hoạt động.

Còn với folder 5GB, cả hai đều hoạt động tốt, thời gian chép rất nhanh. Như vậy nếu để dùng chép game hoặc chơi game trên SSD gắn ngoài thì XS2000 500GB không phải lựa chọn tối ưu, Samsung T7 Shield cũng tương tự như vậy, nhưng T7 Shield thì độ ổn định tốt hơn.


Đây là ba ổ SSD gắn ngoài có tốc độ rất cao, đều là tiêu chuẩn Thunderbolt nên tốc độ đọc ghi lý thuyết đều cao, hơn 2000MB/s

Lacie Rugged SSD Pro là mẫu SSD gắn ngoài rất xịn dành riêng cho người làm phim, Cuhiep cũng đã test nhanh qua tốc độ khi chép video, ổ này của Lacie dùng SSD FireCuda của Seagate, còn OWC Envy Express là box Thunderbolt 3 sớm nhất bán ra thị trường, bên trong là chuẩn SSD M.2 NVMe 2280 giống với box Orico. Tuy là Thunderbolt 3 nhưng giới hạn tốc độ của box này là 1500MB/s, còn box của Orico có thể lên đến 3000MB/s.
Ảnh màn hình 2024-03-06 lúc 15.45.46.png
Kết quả khi mình test lần lượt với 3 folder với 3 ổ này đều cho tốc độ rất nhanh, nhìn chung là đều phù hợp với nhu cầu công việc của mình, đặc biệt là về việc chép game. Đặc biệt với hai box SSD của Orico và OWC thì sau này anh em có thể nâng cấp dung lượng nếu muốn, không bị bó buộc về dung lượng như SSD có sẵn.
Nhiệt độ khi chép file của box Orico có nhiệt độ cao nhất ngoài vỏ là 42 độ C dù bên trong đã có thermal pad, box OWC thì thấp hơn khoảng 40 độ C còn Lacie Rugged SSD Pro là thấp nhất chỉ khoảng 38 độ C. Tất cả các mẫu SSD gắn ngoài mình test đều ở môi trường trong nhà, không máy lạnh và nhiệt độ môi trường khoảng 33 độ C.

Test khả năng đọc các file nhỏ với ATTO Disk thì cả ba ổ này cũng vượt trội hoàn toàn so với SAMSUNG T7 Shield hay Kingston XS2000. Ví dụ với WD Black SN750 1TB trong box Orico, dù là SSD chuẩn PCIe 3.0×4 đã cũ nhưng tốc độ đọc file 16KiB vẫn vượt trội hơn rất nhiều so với Kingston XS2000.

Tốc độ lý thuyết của Lacie Rugged SSD Pro 4TB:

Tốc độ lý thuyết của OWC Envy Express + Intel 660p 2TB:

Tốc độ lý thuyết của Orico Thunderbolt 3 + WD Black SN750:

Qua bài test trên, mình có thể tự rút ra được rằng Kingston XS2000 sẽ không phù hợp với nhu cầu chép nhiều file và liên tục, đặc biệt là game, chỉ chép những thứ đơn giản như hình ảnh và video. SAMSUNG T7 Shield cũng tương tự nhưng được cái bền bỉ hơn, làm việc trong môi trường khắc nghiệt tốt hơn. Còn những ổ SSD với giao thức kết nối là Thunderbolt thì nó quá nhanh rồi và những mẫu SSD này cũng là loại xịn, nên tốc độ và độ ổn định của nó tốt hơn nhiều.

Hiện tại một cái box SSD Thunderbolt cũng không quá mắc, cộng với việc SSD bây giờ đã rất rẻ, ổ 1TB chỉ loanh quanh dưới 2 triệu đồng. Mình đang nhắm mẫu Lexar NM790 1TB mà giá chỉ có khoảng 1,7 triệu đồng mà thôi.

Nguồn: tinhte.vn