Tấm nền LG Gaming OLED có khả năng thay đổi độ phân giải và tần số quét

LG vừa phát triển thành công tấm nền Gaming OLED đầu tiên trên thế giới với khả năng thay đổi (chính xác hơn là chuyển đổi) cả độ phân giải và tần số quét. Theo kế hoạch, LG cũng sẽ bắt đầu đi vào sản xuất tấm nền Gaming OLED kích thước 31.5 inch ngay trong tháng 4/2024, tăng tốc tham gia vào thị trường màn hình chơi game cao cấp cùng các sản phẩm concept mới.

Gaming OLED panel của LG cho phép người dùng tùy chọn chuyển đổi giữa 2 chế độ: ưu tiên tần số quét – Full HD 480 Hz, hoặc ưu tiên độ phân giải (nhưng tần số quét vẫn cao) – UHD 240 Hz. Tùy theo nội dung, ví dụ như chơi game bắn súng thì Full HD 480 Hz mang lại lợi thế về phản xạ (với điều kiện cấu hình máy tính đủ khả năng đáp ứng); trong khi UHD 240 Hz vẫn hoàn toàn dư dả cho các nội dung giải trí chất lượng cao. So với tấm nền màn hình thông thường thì người dùng chỉ có thể thay đổi tần số quét, Gaming OLED panel mang tới tính linh hoạt cao hơn, đa dụng hơn.

Giải pháp tiên tiến của LG có tên gọi là Dynamic Frequency & Resolution (DFR), do tự hãng nghiên cứu phát triển. Tấm nền mới còn đi kèm nhiều công nghệ khác để tăng cường trải nghiệm thị giác, như META Technology 2.0 dựa trên sáng kiến Micro Lens Array (MLA), giúp tối đa hóa phát xạ ánh sáng từ vật liệu hữu cơ, từ đó nâng cao chất lượng hình ảnh. Công nghệ Thin Actuator Sound tạo ra âm thanh trực tiếp từ màn hình mà không cần thêm loa riêng, cung cấp trải nghiệm âm thanh sống động hơn.

Kế hoạch của LG là cung cấp tấm nền Gaming OLED 31.5 inch này cho các thương hiệu làm thiết bị phục vụ game trên toàn cầu, đầu tiên dĩ nhiên là LG Electronics. Hãng cũng đang đẩy nhanh việc mở rộng sang thị trường màn hình chơi game cao cấp từ năm 2024 với dòng sản phẩm Gaming OLED nhiều kích thước: 27 inch, 31.5 inch, 34 inch, 39 inch và 45 inch. Còn tấm nền mới không chỉ sở hữu tần số quét siêu cao tới 480 Hz mà còn có thời gian phản hồi nhanh nhất – chỉ 0.03 ms – trong số các tấm nền hiện có trên thị trường. Màn hình gaming xài OLED cũng ít gây mỏi mắt hơn so với công nghệ LCD, do chúng chỉ phát ra lượng ánh sáng xanh cỡ 1 nửa, đồng thời không có hiện tượng nhấp nháy.

Nguồn:Tinhte.vn