[REVIEW] Đánh giá CPU Intel Core i9-7960X

Core i9-7960X nằm trong dòng Core X mà Intel vừa giới thiệu tại sự kiện Computex 2017 qua. Thiết kế sản phẩm hướng đến việc xây dựng một hệ thống hiệu năng vượt trội, có thể đáp ứng tất cả nhu cầu khắt khe của người dùng, từ công việc biên tập video, dựng hình số, kết xuất đồ họa phim ảnh theo thời gian thực và cả việc vừa chơi game vừa ghi lại và stream trên các kênh truyền thông.

Sản phẩm có giá tham khảo 1.699 USD (khoảng 38,56 triệu đồng) và được Intel định vị là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Ryzen Threadripper 1950X của AMD, giá 999 USD.

Đang tải Intel 7960X_tinhte (7).jpg…

Thiết kế

Core i9-7960X thuộc dòng chip hiệu năng cao (HEDT) dành cho người dùng đam mê công nghệ. Thiết kế sản phẩm vẫn dựa trên kiến trúc Skylake với công nghệ bán dẫn tri-gate 3D cùng quy trình sản xuất 14 nanomet, tương tự Core i7-6950X Extreme Edition, bộ xử lý 10 nhân đầu tiên của Intel dành cho người dùng cá nhân.

Đang tải Intel 7960X_tinhte (11).jpg…

Tuy nhiên với thế hệ chip mới, Intel không chỉ tăng cường về mặt trải nghiệm người dùng mà còn cải thiện đáng kể hiệu năng chip. Theo Intel cho biết sức mạnh xử lý đơn nhân của CPU mới cao hơn khoảng 14% và sức mạnh đa nhân cao hơn khoảng 15%. Đặc biệt mẫu chip Core i9-7980XE có đến 18 nhân và khả năng xử lý 36 luồng dữ liệu cùng lúc. Đây cũng là con át chủ bài mà Intel dùng thể hiện sức mạnh với Ryzen Threadripper.

Một trong số cải tiến đáng chú ý của chip Core X là công nghệ Turbo Boost Max 3.0 với khả năng tự động tăng mức xung nhân xử lý theo yêu cầu của hệ thống. Khác với công nghệ Turbo Boost được Intel giới thiệu lần đầu trong bộ xử lý kiến trúc Nehalem. Turbo Boost Max 3.0 sẽ xác định 1 hoặc 2 nhân tốt nhất trong tổng số nhân và đẩy xung nhịp lên một giới hạn cao hơn. Các ứng dụng cũng được điều hướng đến các nhân xử lý có hiệu suất hoạt động cao nhất, và điều này giúp cải thiện hiệu suất bộ xử lý đến 15% so với trước đây.

Đang tải Intel 7960X_tinhte (14).jpg…

Bên cạnh đó, điểm mới của chip Core X là hỗ trợ tập lệnh AVX-512 (AVX 3.1) vốn được Intel áp dụng riêng cho dòng CPU Xeon của workstation và server, các hệ thống đòi hỏi khả năng tính toán mạnh mẽ. Bộ nhớ đệm L3 cache cũng được tái phân bổ để giúp các nhân khai thác và chia sẻ hiệu quả hơn.

Theo Intel cho biết mức xung cơ bản của i9-7960X là 2,8GHz, có thể tăng tốc lên mức 4,2GHz với Turbo Boost 2.0 và đạt đạt 4,4GHz nhờ công nghệ Turbo Boost Max 3.0. Mỗi nhân trang bị bộ nhớ riêng (L2 cache) 1MB trong khi tổng dung lượng bộ đệm L3 cache 22MB dùng chung cho cả 16 nhân. Tương tự chip Skylake-X cùng dòng, Core i9-7960X cũng hỗ trợ bộ nhớ 4 kênh DDR4 bus 2.666MHz và TDP 165W.

Đang tải Turbo boost max.jpg…

Chip mới, nền tảng mới

Đang tải Intel 7960X_tinhte (5).jpg…

Như đề cập trên, bên cạnh dòng sản phẩm Core X thì Intel cũng ra mắt thế hệ chipset mới X299 Express với nhiều thay đổi trong cấu trúc I/O nối tiếp, mở rộng băng thông của các đường dữ liệu kết nối giữa các thành phần trong máy tính.

Điều rõ ràng là nền tảng Core X sử dụng socket hoàn toàn mới LGA2066 nên không có tính tương thích ngược với sản phẩm socket LGA2011-v3 thế hệ trước. Các bộ xử lý Broadwell E như i7-6950X sẽ không chạy được trên bo mạch X299 và ngược lại. Vì vậy bạn sẽ không tận dụng được bo mạch chủ hoặc bộ xử lý cũ khi nâng cấp.

Đang tải Chipset X299.jpg…

Về thiết kế, chipset X299 vẫn sử dụng tuyến bus DMI 3.0 (Direct Media Interface) trong việc truyền dẫn tín hiệu với bộ xử lý nhưng tốc độ nhanh hơn so với chipset X99. Và điểm mới là bo mạch X299 đã hỗ trợ công nghệ SSD Intel Optane có tốc độ truy xuất dữ liệu nhanh gần bằng RAM, góp phần cải thiện hiệu năng tổng thể.

Một thay đổi nữa hữu ích cho người dùng là thế hệ chipset mới hỗ trợ đến 30 tuyến truyền dữ liệu tốc độ cao, cho phép các nhà sản xuất bo mạch chủ cấu hình tối đa 24 tuyến PCI Express 3.0, 8 cổng SATA 3.0 và 10 cổng USB 3.1. Bên cạnh đó, người dùng cũng có thể gắn đến 3 SSD chuẩn NVMe, cho phép ghép nối để chạy ở các chế độ RAID khác nhau theo nhu cầu sử dụng của bạn.

Hiệu năng

Đang tải Intel 7960X_tinhte (2).jpg…

Cấu thử nghiệm Core i9-7960X xây dựng trên nền bo mạch chủ MSI X299 Tomahawk, đồ họa MSI GTX 1080 Ti Gaming X, RAM Geil Evo X kit 16GB, bus 3.200 MHz, SSD Intel 750 PCIe 400GB, nguồn Cooler Master 1.250W và hệ điều hành Windows 10 x64.

Ngoài những công cụ quy chuẩn là PCMark, 3DMark và Cinebench, mình cũng sử dụng một số phép thử đánh giá sức mạnh tính toán của riêng CPU và GPU cũng như khả năng chiến game ở độ phân giải 4K. Hệ thống sẽ chạy với thông số mặc định và kết quả phép thử chỉ được ghi nhận nếu không có sự chênh lệch đáng kể giữa 3 lần test.

Đáng tiếc mình chưa có dịp thử qua Ryzen Threadripper 1950X, đối thủ chính của 7960X. Nên trong bài viết, các điểm số sẽ được tham chiếu cùng Core i7-7820X, Core i7-6900K và Ryzen 7 1800X để các bạn phần nào hình dung sức mạnh của chip. Lưu ý các số liệu sử dụng trong bài không dùng so sánh mà chỉ mang tính tham khảo vì khác phân khúc sản phẩm và cấu hình thử nghiệm CPU Intel và AMD khác nhau.

Kết quả thử nghiệm

Với khả năng xử lý đến 32 luồng dữ liệu cùng lúc, tức gấp đôi so Core i7-7820X lẫn Ryzen 7 1800X nên không gì ngạc nhiên khi cấu hình thử nghiệm nhẹ nhàng “bay” qua các phép thử với những điểm số ấn tượng, đặc biệt trong các phép thử khai thác tốt khả năng xử lý đa nhân, đa luồng.

Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với mục đích thiết kế 7960X cho công việc biên tập video, xử lý đồ họa 3D, trải nghiệm thực tế ảo hoặc những ứng dụng chuyên biệt đòi hỏi sức mạnh tính toán. Tất nhiên bạn cũng có thể dùng trong cấu hình máy tính chuyên game nhưng trên thực tế, ít có game nào khai thác được hết sức mạnh xử lý đa luồng, đặc biệt với các bộ xử lý có 8 nhân trở lên.

Đang tải Cinebench R15.jpg…

Cụ thể trong công cụ Cinebench R15 kiểm tra khả năng dựng hình, i9-7960X đạt 172 điểm trong phép thử đơn nhân và 3.090 điểm trong phép thử đa nhân. Tương tự Geekbench 3 cũng đạt 4.172 điểm trong phép đo hiệu năng đơn nhân và 43.749 điểm hiệu năng đa nhân. Xét riêng về điểm hiệu năng đơn nhân thì 7960X thấp hơn một chút nhưng lại cao gần gấp đôi so với i7-7820X và Ryzen 7 1800X về hiệu năng đa nhân..

Liên quan đến tác vụ nén và bung nén thư viện dữ liệu mẫu 32 MB, tốc độ nén dữ liệu cao nhất của CPU Core i9 đạt 38.369 MIPS (milion instructions per second – triệu lệnh mỗi giây) trong khi tác vụ bung nén (decompressing) đạt đến 82.751 MIPS. Tất nhiên kết quả trên vẫn cao hơn đáng kể so với những mẫu CPU tinhte từng thử nghiệm.

Trở lại với công cụ benchmark tiêu chuẩn, sức mạnh của 7960X tiếp tục thể hiện qua các phép thử. Chẳng hạn cấu hình thử nghiệm đạt 6.726 điểm hiệu năng tổng thể của PCMark 10, cao hơn khoảng 8,5% so với i7-7820X trong cùng phép thử. Trong 3DMark cũng có sự chênh lệch đáng kể với điểm số riêng của CPU cao hơn từ 14,5 đến 44% ứng với mỗi phép thử.

Với các game thử nghiệm gồm Ashes of the Singularity, Rise of the Tomb Raider và Batman: Arkham Knight ở độ phân giải 4K với thiết đặt đồ họa chất lượng cao nhất. Tất nhiên ở khía cạnh game thì đồ họa MSI GTX 1080 Ti Gaming X lại là yếu tố quan trọng nhất, quyết định chất lượng đồ họa và số khung hình của game. Vì card đồ họa không phải là chủ đề chính của bài nên phần này mình lướt qua, chi tiết kết quả, các bạn xem trong biểu đồ trên nghe.

Nhiệt độ, công suất tiêu thụ

Đang tải Intel 7960X_tinhte (1).jpg…

Đánh giá khả năng tản nhiệt và công suất tiêu thụ cấu hình thử nghiệm (không bao gồm màn hình và CPU chạy ở xung nhịp mặc định) qua phép thử đồ họa 3DMark. Nhiệt độ và công suất hệ thống ghi nhận qua công cụ Ryzen Master và Logger Lite trong môi trường khoảng 22 độ C.

Ở chế độ không tải, nhiệt độ chip dao động ở 34 độ C và công suất tiêu thụ của cấu hình thử nghiệm là 124W, tính theo trị số trung bình. So với mẫu chip tầm trung i7-7820X là 41 độ C và công suất cấu hình tương ứng 111,2W.​

Trong phép thử 3DMark Fire Strike Stress test dùng kiểm thử tính ổn định của cấu hình và hiệu quả tản nhiệt. Nhiệt độ CPU dao động ở 46 độ C, thấp hơn khoảng 6 độ C so với 7820X nhưng mức tiêu thụ điện năng cao nhất đến 445,5W. Đáng chú ý ở phần này là nhiệt độ CPU khá thấp và nó cũng là một trong các yếu tố giúp việc ép xung CPU dễ đạt mức cao hơn.

Về ép xung thì đây cũng là một chủ đề lớn nên mình sẽ chia sẻ trong một bài viết riêng. Còn trên thực tế, mẫu chip i9-7960X đã được một tay chơi có cỡ đẩy lên mức 5,4 GHz cho cả 16 nhân khi ép xung bằng nitơ lỏng. Khi đó, điểm số đa nhân của chip tăng gấp đôi so với mức xung nhịp mặc định thông qua Geekbenk 3.0.

Tổng quan sản phẩm


Đang tải Intel 7960X_tinhte (15).jpg…

Dù chưa thể sánh bằng bộ xử lý hàng đỉnh i9-7980XE nhưng hiệu năng tổng thể 7960X cũng tạo được ấn tượng, thậm chí còn cao hơn cả mẫu chip được xem là đối thủ cạnh tranh trực tiếp Threadripper 1950X.

Với sức mạnh của 16 nhân 32 luồng, bộ xử lý còn là một trong những nhà vô địch mới cho việc xử lý đồng thời một khối lượng công việc khổng lồ. Khả năng xử lý đa nhiệm ưu việt giúp rút ngắn thời gian dựng, chỉnh sửa nội dung và xem nhanh kết quả của việc bổ sung hiệu ứng đồ họa theo thời gian thực. Thậm chí nếu sẵn sàng bỏ ra khoảng 38,56 triệu đồng, bạn cũng có thể dùng 7960X trong cấu hình máy tính chuyên game để chạy nhiều tác vụ cùng lúc như vừa chơi vừa ghi lại và stream lên các kênh truyền thông thì mới khai thác tốt sức mạnh của chip.

Tuy nhiên xét ở khía cạnh so sánh giữ hiệu năng và giá thì 7960X không phải là lựa chọn hấp dẫn so với 1950X của AMD. Thậm chí nếu bạn muốn trải nghiệm những công nghệ, tính năng mới của nền tảng X299 thì 7920X được xem là lựa chọn tốt nhất; giá giảm đáng kể trong khi sức mạnh xử lý đơn nhân không hề kém 7980XE.

 Nguồn: Tinh Tế
Từ khóa: , ,