[Review] AMD Ryzen 5 1400 và Radeon RX560/570, mạnh tới đâu, chơi game ngon không?
Mình mượn được một số linh kiện để build máy với CPU Ryzen 5 1400, bộ đôi GPU RX560 và RX570. Hiện tại AMD đang được nhiều anh em quan tâm bởi mức giá dễ chịu, hiệu năng tốt và trong bài này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu xem Ryzen 5 1400 mạnh tới đâu cũng như khả năng chiến game của RX560 và RX570. Hy vọng anh em sẽ có được cái nhìn tổng quát hơn và tự build được dàn máy theo ý mình.
*Lưu ý: Bài dài ngoằn nha .
- Case: Cooler Master MasterBox 5 giá 1,670 triệu đồng;
- CPU: AMD Ryzen 5 1400 giá 4,4 triệu đồng;
- Tản nhiệt: Cooler Master Hyper 212 LED Turbo giá 820 ngàn đồng;
- Bo mạch chủ: ASUS ROG Strix X370-F Gaming giá 4,5 triệu đồng;
- GPU 1: ASUS ROG Strix RX560 O4G Gaming giá 3,970 triệu đồng;
- GPU 2: ASUS ROG Strix RX570 O4G Gaming giá ~7 triệu đồng;
- RAM: G.Skill TridentZ RGB 16 GB DDR4-3200 giá 4,3 triệu đồng;
- SSD: WD Blue 500 GB SATA 4,3 triệu đồng;
- PSU: Cooler Master B700 giá 1,875 triệu đồng.
Nhìn qua cấu hình này thì hẳn anh em sẽ thấy có một số linh kiện rất đắt và chúng ta hoàn toàn có thể cắt giảm để đưa mức giá xuống. Mức giá này mình tham khảo tại các nhà phân phối VN, riêng bo mạch X370-F thì mình xem trên Amazon.
ASUS ROG Strix X370-F Gaming:
Đầu tiên là bo mạch chủ ASUS ROG Strix X370-F Gaming, nó có giá khá cao, đến những 4,5 triệu theo giá mình xem trên Amazon và hiện là cái bo mới nhất dành cho Ryzen của dòng ASUS ROG Strix. Mình nghĩ tầm giá này thì chúng ta có rất nhiều sự lựa chọn, riêng thương hiệu ASUS còn có Prime X370-Pro giá rẻ hơn tí, MSI hay Gigabyte cũng có các phiên bản X370 cùng tầm giá. Hoặc anh em có thể chọn các phiên bản bo mạch chủ AM4 dùng chipset B350 với mức giá rẻ hơn cả triệu. Mình chọn ROG Strix X370-F Gaming nhằm hướng đến một giải pháp nâng cấp về sau, nó có thể hỗ trợ chạy 2 card đồ họa bởi X370 với CrossFire lẫn SLI trong khi B350 chỉ hỗ trợ CrossFire. Bo mạch chủ cũng giống như nền móng của một căn nhà, bo xịn mang lại nhiều tính năng hơn và chúng ta cũng có thể nâng cấp thoải mái hơn.
Một số điểm đáng chú ý trên ROG Strix X370-F Gaming có thể kể đến như thiết kế rất hầm hố, đặc trưng của dòng Strix với tone màu đen xám. Cụm cổng I/O tại panel sau có ốp nhựa cứng, tích hợp đèn LED AURA. Các cổng này bao gồm 6 x USB 3.0 (xanh), 2 x USB 2.0 (đen), 2 x USB 3.1 (1 USB-A đỏ và 1 USB-C), RJ-45 (LAN), HDMI 1.4b, DisplayPort 1.2 và cụm jack âm thanh trong đó có cổng fiber out S/PDIF cao cấp. Tuy nhiên, bo này không có Wi-Fi tích hợp nên mình phải dùng một cái USB Wi-Fi gắn ngoài. Ngoài các cổng kết nối tại back panel thì trên bo còn nhiều jack, header khác để chúng ta đấu ra ngoài. Chẳng hạn như gần các khe RAM có jack USB 3.1 để đấu ra trước, 2 header USB 3.0 hỗ trợ 4 cổng, 1 header USB 2.0 hỗ trợ 2 cổng.
Socket AM4 với bracket tương tự Crosshair VI Hero, bạn có thể dùng với tản nhiệt Wraith của AMD hoặc các tản nhiệt hỗ trợ Ryzen. Như mình gắn cái tản Hyper 212 LED Turbo, tản nhiệt này dùng cho AMD lẫn Intel đều được. Cấp nguồn cho CPU là jack 8 pin. Hệ thống phase chất lượng theo thiết lập 6 +4 với 6 phase dành riêng cho CPU và 4 phase nằm phía trên dành cho SOC. Điều khiển dàn VRM là chip DIGI + EPU ASPS1405I loại tương tự trên bo mạch Crosshair VI Hero mà mình từng test trước đây. Mỗi phase đi kèm với một con DrMOS IR3555M 60 A và tất cả đều được tản nhiệt với heatsink cỡ lớn.
X370-F Gaming có 4 khe DIMM, hỗ trợ tối đa 64 GB DDR4-3200 với CPU Ryzen. 4 khe RAM này không có bọc kim loại gia cường.
Chipset X370 có tản nhiệt được làm rất đẹp nhưng tiếc là nó không được tích hợp đèn LED AURA. Một số chip khác đáng chú ý trên bo còn có chip âm thanh SupremeFX S1220A (biến thể của Realtek ALC1220) đi cùng với 2 con chip amp là TI R4580I và OPA1688 của Texas Instrument giúp khuếch đại tín hiệu âm thanh đầu ra, giảm nhiễu. Các tụ âm thanh của Nichiconmàu vàng nhìn khá đẹp mắt. Vi điều khiển USB 3.1 là ASM1142 của Asmedia và chip NIC Intel I211-AT.
Về các khe PCIe thì 2 khe có gia cố bằng kim loại là PCIe 3.0 x16 và PCIe 3.0 x8. Như vậy bạn có thể gắn 2 card đồ họa chạy SLI (Nvidia) hoặc CrossFireX (AMD). Ngoài ra còn có 1 khe PCIe 2.0 x16 chạy ở x4 và 3 khe PCIe 2.0 x1 dành cho các loại card add-in khác như card âm thanh hay card Wi-Fi.
Khe M.2 dành cho SSD hỗ trợ nhiều chuẩn từ 22110 dài nhất đến 2242 ngắn nhất. Khe này hỗ tợ SSD SATA lẫn PCIe 3.0 x4. Nhưng điều đáng tiếc là cái bo này không có heatsink dành cho ổ M.2 như nhiều dòng bo mạch cao cấp khác của ASUS. Bo mạch có đến 8 cổng SATA 6 Gb/s thoải mái gắn ổ cứng. Trên dàn máy này mình chỉ gắn một ổ SSD SATA của WD.
Nếu anh em thích tản nhiệt nước hay gắn thêm quạt thì X370-F Gaming cũng đáp ứng rất tốt với các header 4 pin dành cho máy bơm, 3 x header 4 pin dành cho quạt nằm rải rác trên bo, 1 đầu kết nối cho cảm biến nhiệt. Tuy nhiên, nếu chơi quạt đèn RGB thì bạn chỉ có thể gắn 2 quạt bởi trên bo chỉ có 2 header AURA, muốn gắn thêm phải có đầu chia.
Nhìn chung cái bo này có thể nói là nhiều chức năng nhưng ở mức tầm trung thôi bởi nó không có nhiều chức năng xịn như đèn debug 2 số, nút khởi động, reset BIOS … Bo vẫn hỗ trợ OC tốt nhờ dàn VRM chất lượng nhưng không quá chuyên nghiệp.
Ryzen 5 1400 + Cooler Master Hyper 212 LED Turbo:
AMD Ryzen 5 1400 có mức giá vừa phải, 4 nhân 8 luồng với xung nhịp cơ bản – Boost 3,2 GHz – 3,4 GHz nhưng vẫn hỗ trợ OC. Bộ đệm L3 của Ryzen 5 1400 là 8 MB và hỗ trợ 24 lane PCIe 3.0, 4 lane được dùng để kết nối với chipset. Như vậy nếu sau này có lắp 2 GPU thì Ryzen 5 1400 vẫn đáp ứng tốt với 2 x PCIe 3.0 x8 chạy SLI hoặc CrossFireX và vẫn còn 4 lane dành cho SSD PCIe 3.0 x4.
Mình mượn con CPU này tiếc là không có tản nhiệt Wraith đi kèm nên phải dùng tản nhiệt riêng của Cooler Master. Con tản khí Hyper 212 LED Turbo này mình thấy khá nhiều anh em dùng với Intel, mức giá của nó cũng rất hấp dẫn chỉ 820 ngàn đồng và cũng cần lưu ý là đây là phiên bản duy nhất trong dòng Hyper 212 của Cooler Master hỗ trợ socket AM4.
Hyper 212 LED Turbo có heatsink bằng nhôm rất to với kích thước 120 x 60 x 160 mm. Hệ thống 4 ống đồng tiếp xúc trực tiếp với CPU và có tặng kèm keo tản nhiệt. Phiên bản Turbo có 2 quạt 120 mm XtraFlo và quạt có đèn LED đỏ tại các góc, gắn cố định với tản nhiệt bằng các ngàm đơn giản. Phía trên tản nhiệt có miếng nhôm cắt CNC có thể tháo thay được, phiên bản mình dùng có màu đỏ khá đẹp.
Có một điều cần lưu ý là cái tản Hyper 212 LED Turbo này khi gắn trên bo mạch ROG Strix X370-F Gaming thì nó nằm dọc do thiết kế bracket của socket AM4 trên bo mạch này và thanh giữ của tản nhiệt nằm dọc. Vì vậy dòng khí theo thiết lập quạt mặc định sẽ hút từ dưới và thổi lên trên. Đáng tiếc là cái thùng MasterBox 5 mình dùng không có khe thoát trên nóc nên dòng khí phà lên trên tản ra 2 bên và chỉ có thể thoát ra ngoài bằng một cái quạt hút tại panel sau.
ASUS ROG Strix RX560 O4G Gaming và RX570 O4G Gaming:
ASUS ROG Strix RX560 O4G Gaming là một con GPU giá rẻ và nó có thể đáp ứng tốt nhiều tựa game ở độ phân giải Full HD 1080p với thiết lập đồ họa trung bình đến cao nhưng không phải siêu cao để giữ được khung hình từ 30 fps. RX560 là phiên bản nâng cấp của RX460, dùng GPU Polaris 11 nhưng có 1024 nhân stream, 64 TMU, nhiều hơn 896 nhân và 56 TMU của RX460. Xung nhịp của RX560 cũng cao hơn so với RX460 với xung nhịp cơ bản và Boost lần lượt là 1175 MHz và 1275 MHz. Loại bộ nhớ hỗ trợ là GDDR5 tối đa 4 GB VRAM, giao tiếp 128-bit với băng thông tối đa 112 GB/s.
Phiên bản ROG Strix RX560 O4G Gaming được ASUS thiết kế tốt với 2 quạt tản nhiệt cùng heatsink cỡ lớn. 2 quạt này có thiết kế Wing-Blade với độ ồn rất thấp, tăng thêm 30% lượng gió. Ngoài ra nó còn đáp ứng tiêu chuẩn IP5X chống bụi, tăng tuổi thọ cho quạt. ROG Strix RX560 O4G Gaming cũng hỗ trợ công nghệ đèn AURA nhưng chỉ có một cái đèn nhỏ tại logo ASUS ROG.
Các cổng trình xuất trên ROG Strix RX560 O4G Gaming gồm có DVI-D, HDMI 2.0, DisplayPort và hỗ trợ FreeSync. Điểm đáng chú ý trên phiên bản này là tính năng OC. Cùng với phần mềm GPU Tweaker II thì bạn có thể thiết lập 3 chế độ xung nhịp cho GPU, tiêu chuẩn là Gaming Mode với xung nhịp tối đa 1325 MHz và OC Mode với xung nhịp tối đa 1366 MHz.
Tương tự với Strix RX570 O4G Gaming, với thiết kế tương tự nhưng hệ thống tản nhiệt to hơn và dài hơn. RX570 thuộc phân khúc cao cấp hơn với GPU Polaris 11 có 2048 nhân stream, xung nhịp từ 1300 đến 1310 MHz (OC) và được trang bị 4 GB GDDR5 VRAM, giao tiếp 256-bit. Strix RX570 O4G Gaming được trang bị các cổng kết nối như 2 x DVI-D, HDMI 2.0, DisplayPort và cũng hỗ trợ FreeSync.
G.Skill TridentZ RGB F4-3200C14D-16GTZR & WD Blue 500 GB SATA:
Kit RAM G.Skill TridentZ RGB 16 GB DDR4-3200 giá cao nhưng đèn LED RGB rất đẹp và ngọt mắt. Hệ thống đèn LED trên mỗi thanh gồm 5 bóng LED phát sáng qua một nắp nhựa mờ và đèn không cần nguồn riêng, hỗ trợ tốt với AURA cũng như các công nghệ đèn khác. Tốc độ tối đa 3200 MHz, lat 14-14-14-34, hiệu năng của kit RAM này thì anh em có thể xem trong phần benchmark bên dưới.
Còn ổ cứng thì WD Blue 500 GB mình thấy có giá tốt với mức dung lượng cao. Chiếc ổ này có hiệu năng khá, anh em có thể xem thêm về tốc độ đọc ghi trong phần benchmark.
Nguồn Cooler Master B700 ver.2:
Cấp nguồn cho toàn hệ thống là PSU Cooler Master B700 ver.2. Cục nguồn này đạt chuẩn 80 Plus, đạt hiệu năng trên 85% tải chuẩn. Công suất đầu vào 200 – 240 V – 5 A với tần số từ 47 – 63 Hz. Mình chọn cục nguồn này vì tầm giá nó khá tốt ở phân khúc 700 W. Mặc dù cáp kết nối không tháo rời được nhưng trang bị cáp đầy đủ với cáp ATX 20 + 4 pin, cáp nguồn CPU 4 pin, 2 sợi này có bọc dây dù bên ngoài. Các sợi cáp còn lại gồm 2 cáp PCIe dành cho card đồ họa với 2 đầu 6 + 2 pin nên trong trường hợp cần gắn 2 card thì cục nguồn này có thể đáp ứng được, ngoài ra còn có 2 sợi cáp SATA, mối sợi có 6 đầu chia và cuối cùng là sợi cáp với 3 đầu molex. Độ dài của các cáp đều từ 50 cm trở lên nên việc di dây cũng rất dễ dàng.
Lắp xong hết rồi giờ thì thử nghiệm hiệu năng xem sao nhé:
Khởi đầu với mọi thiết lập đều mặc định, Ryzen 5 1400 không OC chạy ở xung nhịp từ 3,2 đến 3,4 GHz, card đồ họa RX560 chạy ở chế độ Game Mode, RAM cũng chạy ở xung 2133 MHz với timing tiêu chuẩn CL36 (15-15-15-15-36).
Tiếp theo mình thử OC Ryzen 5 1400 lên xung nhịp 3,75 GHz, card đồ họa RX560 chạy ở chế độ OC Mode, RAM OC lên 3200 MHz với timing CL34 (14-14-14-14-34).
Đây là kết quả Cinebench R15 giữa 2 chế độ. Ryzen 5 1400 đạt 128 điểm đơn luồng ở xung nhịp 3,4 GHz và leo lên 145 điểm đơn luồng với xung nhịp 3,75 GHz. Tương tự với điểm đa luồng ở 2 mức xung nhịp, chênh lệch khoảng 127 điểm chỉ với 350 MHz tăng thêm. Trong bảng trên mình cũng so với con Ryzen 7 1700 lần trước có test trên bo mạch chủ Crosshair VI Hero để anh em dễ hình dùng. Mình rất muốn so với Core i5-7400 (4/4, 3 – 3,5 GHz) bởi đây được xem là đối thủ trực tiếp của Ryzen 5 1400 nhưng điều kiện không cho phép, anh em nào đang xài con CPU này thì thử Cinebench R15 xem sao nhé .
Mình cũng benchmark tốc độ RAM luôn giữa 2 chế độ với kit RAM G.Skill TridentZ RGB 3200 này. Điều mình nhận ra là có thể dễ dàng đưa RAM lên xung tối đa 3200 MHz chỉ với thiết lập D.O.C.P Standard theo bo mạch chủ X370-F Gaming mà không cần phải tùy chỉnh gì nhiều. RAM có thể chạy ổn định ở xung nhịp này.
PCMark 7, 8, 10 mình đều test và có kết quả cao. Sự chênh lệch về xung nhịp CPU và RAM cũng mang lại sự chênh lệch về điểm số đáng kể. Ổ WD Blue 500 GB có tốc độ đọc ghi vào khoảng 549 MB/s (đọc tuần tự Q32T1) và 527 MB/s (ghi tuần tự Q32T1), tốc độ truy xuất 4 Kb ngẫu nhiên là 266 MB/s (đọc ngẫu nhiên Q32T1) và 240 MB/s (ghi ngẫu nhiên Q32T1).
Thử nghiệm với 3DMark 13, mình thử nghiệm ở 2 chế độ CPU ở xung Turbo mặc định 3,4 GHz vs OC 3,75 GHz, GPU ở Gaming Mode với xung nhịp tối đa 1326 MHz và OC Mode với xung nhịp tối đa 1336 MHz, RAM 2133 MHz vs 3200 MHz và kết quar chênh lệch kha khá. So với RX480 và Ryzen 7 1700 thì khoảng cách về hiệu năng rất xa, RX560 thua nhiều so với RX480 vốn là top của dòng RX400 trước đây (thay bằng RX580).
Giờ game đến rồi, giờ game đến rồi
Vậy với hiệu năng xử lý như vậy thì trải nghiệm game như thế nào? Mình chơi thử vài game như GTA V, Ghost Recon: Wildlands; The Witcher 3, Doom và kết quả như sau. GPU RX560 và RX570 đều để ở chế độ Standard không OC.
Chạy mát không nhỉ?
Với tản nhiệt Hyper 212 Turbo LED thì CPU Ryzen 5 1400 vận hành rất mát mẻ. Ở xung nhịp 3,75 GHz như đã OC, nhiệt độ CPU khi nghỉ chỉ 37 độ C và khi chơi game hay stress test thì nhiệt độ cũng chỉ quanh quẩn 60 độ C. 4 nhân CPU đều đạt được xung nhịp gần tối đa 3,75 GHz với điện năng tiêu thụ tối đa 64,76 W.
RX560 (trái) và RX570 khi stress test GPU bằng FurMark.
Card đồ họa ASUS ROG Strix RX560 O4G Gaming và ROG Strix RX570 O4G Gaming đều được trang bị 2 quạt tản nhiệt với heatsink và pipeline lớn. Nhiệt độ của RX560 khi chơi game tối đa 65 độ C và RX570 tối đa 69 độ C.
Qua bài này, mình hy vọng anh em sẽ có được cái nhìn sơ lược về hiệu năng của Ryzen 5 1400 cũng như khả năng cán game của RX560 lẫn RX570. Ngoài ra nếu anh em thích màu mè với đèn LED RGB thì cũng thể xem xét các tùy chọn như dàn máy thử nghiệm của mình. Từ đó, anh em có thể tính toán để chọn các linh kiện hợp túi tiền và tự build được dàn máy ưng ý. Cảm ơn anh em đã dành thời gian đọc bài này .
Nguồn: Tinh Tế
Từ khóa: cpu, AMD, tin tuc, intel, review, bechmark, ryzen