Razer Viper V3 Pro: Gột bỏ hết cá tính để cạnh tranh trên thị trường gaming gear chuyên nghiệp
Mình cũng đợi Viper V3 Pro khá lâu rồi, vì mấy tháng qua, từ tin đồn đến các trang thương mại điện tử đăng thông tin đặt hàng, rồi cả ở giải đấu Major tranh chức vô địch thế giới giữa những gamer Counter-Strike 2 mạnh nhất, cũng có vài người đã cầm chiếc này để thi đấu, nghĩa là Razer đã làm việc với gamer chuyên nghiệp để lấy ý kiến hoàn thiện sản phẩm của họ.
Giờ nhìn hai chú chuột cao cấp nhất dành cho gamer chuyên nghiệp của Razer, là DeathAdder V3 Pro và Viper V3 Pro, chẳng còn thấy bất kỳ cá tính nào như những phiên bản trước đó nữa. Thay vào đó, nó giống hệt mọi mẫu chuột gaming siêu nhẹ với những đường cong đơn giản, tập trung hoàn toàn vào công năng. Đương nhiên nói vậy không đồng nghĩa với việc chú chuột không đẹp.
Ở trung tâm của chú chuột, là cảm biến quang học Focus Pro 35K Optical Sensor thế hệ thứ 2, được Razer quảng cáo là có độ chính xác cao hơn rất nhiều so với cảm biến trước đó, thứ mà mọi người đều nói là phiên bản PAW3950 của PixArt làm riêng cho Razer, hãng đặt tên lại là Focus Pro 30K. Với cảm biến mới, DPI có thể chỉnh theo từng đơn vị, chứ không phải tăng giảm theo 100 đơn vị như trước kia nữa. Quan trọng hơn, theo Razer, độ chính xác và độ lệch DPI của cảm biến được giảm thiểu tới mức tối đa, di chuột ở một tốc độ nhất định có độ chính xác lên tới 99.8% tốc độ quét tín hiệu bề mặt mousepad.
Một tính năng rất hay mình từng được trải nghiệm, đó là tính năng đồng bộ DPI trên Logitech G Pro X Superlight 2 cũng hiện diện trên Viper V3 Pro. Anh em mở phần mềm driver Razer Synapse lên, đặt hai chú chuột cũ và mới cạnh nhau, kéo cả hai theo một đường ngang để Viper V3 Pro điều chỉnh DPI khớp với chuột cũ, vậy là không phải làm quen với tốc độ chuột lại từ đầu nữa. Tính năng này Razer đặt tên là Sensitivity Matching.
Thời lượng pin cũng là điểm mạnh của Viper V3 Pro. Một lần sạc đầy pin, với dongle gốc đi kèm với chú chuột, anh em sẽ có thể dùng liên tục 95 giờ đồng hồ ở polling rate 1000 Hz. Ở polling rate 2000 Hz, thời lượng pin vẫn rất ấn tượng, 62 giờ.
Về mặt thiết kế, trọng lượng 54 gram của Viper V3 Pro (phiên bản màu đen, bản màu trắng nặng hơn 1 gram) thực sự không phải con số đủ sức tạo ra kỷ lục nào cả, vì giờ đã có những chú chuột gaming không dây chỉ nặng chưa đầy 40 gram. Nhưng cuộc chạy đua giảm trọng lượng chuột, theo mình, là một cuộc chạy đua không đem lại quá nhiều lợi ích rõ ràng, như cuộc chạy đua tăng tần số gửi tín hiệu về máy tính, thứ đã được chứng minh là có giá trị khi chơi những game thể thao điện tử trên màn hình 360Hz.
Những đường nét hay phần bầu trên thân chuột cũng rõ ràng chứng tỏ rằng Viper V3 Pro muốn trở thành một mẫu chuột gaming không dây hoàn hảo cho đa số người chơi game FPS, từ CS2 đến Valorant. Điều này trái ngược hoàn toàn so với Viper V2 Pro, thiết kế của bản trước thực sự chỉ phù hợp với những người chơi game cầm chuột palm grip. Còn với phần hump cao hơn và nhích về nửa thân dưới của chuột, nó sẽ phù hợp cả với những người quen chơi game với cách cầm chuột claw grip, hai ngón trỏ và ngón giữa nhấc lên để tạo ra góc vuông với hai nút chuột, thay vì đặt cả bàn tay ôm theo thân chuột như palm grip.
Yếu tố kế tiếp mà mình rất thích ở chú chuột mới, chính là feet chuột đã được thay đổi. Thay vì ba miếng feet PTFE nguyên chất nhỏ xíu ở ba góc như Viper V2 Pro, rồi giống hệt là trên DeathAdder V3 Pro, mousefeet trên Viper V3 Pro lớn hơn nhiều, đảm bảo giảm thiểu ma sát.
Ở mức giá 159 USD tại thị trường nước ngoài, Viper V3 Pro đắt hơn Viper V2 Pro lúc nó mới ra mắt 10 USD. Nhưng đổi lại, dongle Hyperpolling tần số tối đa 8000 Hz sẽ đi kèm sẵn trong hộp của Viper V3 Pro, anh em không phải mua thêm nữa. Cục dongle này đang bán ở thị trưởng Việt Nam với giá gần 1 triệu Đồng. Dự kiến mẫu chuột này sẽ về Việt Nam sau 2 đến 3 tháng kể từ khi được giới thiệu.