Người dùng gặp sự cố khi chơi game, Nvidia lập tức ‘trách móc’ Intel: Ai đang dùng CPU đời 13/14 nếu dính lỗi liên hệ Đội Xanh để được hỗ trợ
Trên trang cộng đồng của Intel, bài đăng của nhân viên hãng này khẳng định Intel đã nhận thức được các báo cáo về sự không ổn định của chip thế hệ 13 và 14 trong một số tác vụ cụ thể
Theo đó, Nvidia đề nghị người dùng đang gặp phải sự cố bị văng game với CPU thế hệ 13 hoặc 14 liên hệ với Đội Xanh (biệt danh của Intel) để được hỗ trợ giải quyết. Cụ thể, nếu người dùng CPU thế hệ 13/14 của Intel gặp phải các vấn đề như lỗi báo hết dung lượng VRAM khi chơi game, game bị văng ra ngoài màn hình desktop, game hoặc PC bị treo hoàn toàn và phải khởi động lại, họ nên tham khảo thông tin từ hai nguồn: một trang cộng đồng của Intel và một hướng dẫn từ Rad Game Tools về cách giảm giới hạn công suất CPU xuống mức mặc định của Intel.
Trên trang cộng đồng của Intel, bài đăng của Thomas Hannaford, nhân viên Intel, khẳng định hãn này đã nhận thức được các báo cáo về sự không ổn định của chip thế hệ 13 và 14 trong một số tác vụ cụ thể. Ông kêu gọi người dùng liên hệ với bộ phận hỗ trợ khách hàng của Intel để được trợ giúp khi cần.
Trong khi đó, bài viết hướng dẫn từ Rad Game Tools cũng xác nhận các vấn đề mà Nvidia đã mô tả. Trang này cảnh báo về khả năng không ổn định trong quá trình giải nén shader trong Unreal Engine khi dùng chip Raptor Lake/Raptor Lake Refresh. Những sự cố ổn định này có thể nghiêm trọng đến mức Unreal Engine báo lỗi “hết bộ nhớ video” dù rằng vấn đề thực sự liên quan đến CPU.
Hiện tại, bản thân một số nhà phát triển game cũng đã đưa ra một số khuyến cáo tới người dùng. Fatshark, nhà phát triển Vermintide 2 và Warhammer 40,000: Darktide, đề nghị người dùng Intel gặp vấn đề nên underclock (hạ xung nhịp) tốc độ các nhân xử lý thuộc loại Performance Core (hay P-Core) bằng phần mềm Intel Extreme Tuning Utility (XTU), từ x55 xuống x53. Trong khi đó, nhà phát triển Gearbox cũng đưa ra lời khuyên tương tự là xóa mọi thiết lập ép xung hoặc sử dụng phần mềm XTU.
Gearbox cũng lưu ý những thay đổi thực hiện trong BIOS vẫn giữ nguyên sau vài lần khởi động lại máy, trong khi việc sử dụng các phần mềm của Intel sẽ không có hiệu lực sau khi tắt máy và mở lại. Gần nhhaats, nhà phát triển Outpost: Infinity Siege đề xuất người chơi sử dụng CPU Intel i9-13900K hoặc 14900K nên downclock từ 5.5GHz xuống khoảng 5GHz để tránh crash.
Quá mạnh, quá nóng là nguyên nhân dẫn tới sự thiếu ổn định?
Cũng cần nói thêm rằng, mặc dù các vấn đề này mới được chú ý gần đây, nhưng các báo cáo sớm nhất về tính không ổn định khi chơi game trên CPU thế hệ thứ 13 của Intel đã có từ năm 2022 khi những con chip này lần đầu tiên được ra mắt, theo Wccftech.
Hai tháng trước, trang tin công nghệ Tomshardware cũng đã phản ánh về sự cố này khi số lượng báo cáo về sự không ổn định của dòng chip thế hệ 13 tăng vọt.
Khi đó, trang tin này phát hiện ra rằng các đối tác sản xuất bo mạch chủ của Intel là nguyên nhân chính. Hầu như tất cả các đối tác bo mạch chủ của Intel đều tự động đặt giới hạn công suất CPU lên 4096W (hoặc vô hạn) trong BIOS ngay từ khi xuất xưởng. Đây là một cách cài đặt BIOS đã diễn ra qua nhiều thế hệ CPU của Intel.
Tuy nhiên, với sự ra mắt của CPU thế hệ Raptor Lake/Raptor Lake Refresh, các vấn đề đã nảy sinh nhiều hơn trên các SKU đầu bảng như Core i9. Theo nhiều chuyên gia, vấn đề thực sự nằm ở cả phía phần mềm và phía phần cứng. Các con chip này bị đẩy vượt quá giới hạn của chúng, tronng khi thiết lập BIOS mặc định bởi các nhà sản xuất bo mạch chủ thậm chí còn đẩy những chip này phải làm việc ‘vất vả hơn’.
Có thể thấy, vấn đề với cấu hình giới hạn công suất 4096W (trong BIOS) là nó không phù hợp với thông số mặc định của Intel cho bất kỳ CPU nào của họ. Thực tế, giới hạn của Intel cho hầu hết CPU của họ thường dưới 200W, thường là ngay tại hoặc gần với mức TDP được chỉ định. Intel không kiểm tra các CPU của mình với giới hạn công suất “không giới hạn”, và do đó, bất kỳ giới hạn công suất nào không được giới hạn cũng nên được coi như việc ép xung.
Với riêng các CPU Intel Core i9 thế hệ 13 và 14, đây là là một trong những con chip mạnh mẽ nhất hiện nay. Chúng có tốc độ xung nhịp cao nhất, nhưng kèm theo đó là mức tiêu thụ điện năng lớn nhất trong tất cả các bộ vi xử lý được ra mắt cho đến nay – đồng nghĩa lượng nhiệt năng tỏa ra là rất lớn.
Thực tế, đã có nhiều trường hợp Intel phải điều chỉnh tốc độ xung nhịp (được quảng cáo) cho các chip này trên trang web chính thức của họ. Theo đó, hãng này phải giảm chúng xuống mức thực tế hơn vì những con chip này hoạt động quá nặng dẫn đến việc giảm xung nhịp so với quảng cáo.
Trong bài đánh giá Core i9-14900KS của trang Wccftech, nhiều chuyên gia công nghệ của trang này cũng đã nhận định đây là một con chip bị ‘ép’ phải đẩy hiệu năng lên quá cao – cao đến mức độ ổn định không còn là mối quan tâm hàng đầu. Nói cách khác, đây là một con chip dành cho những người ép xung chuyên nghiệp và chỉ phù hợp với mục đích đó. Wccftech khuyến cáo người dùng tốt nhất là nên chọn các mẫu Core i5 hoặc Core i7 cho đến khi Intel có thể khắc phục các vấn đề về độ ổn định với dòng Core i9 cao cấp.
Nguồn: Genk.vn