Đã đến lúc nâng cấp màn hình máy tính cũ của bạn, và đây là lý do tại sao!!!
Công nghệ màn hình đã có những bước tiến đáng kể trong vài năm trở lại đây. Nếu bạn quá tập trung vào việc nâng cấp các linh kiện khác, có lẽ bạn đã bỏ quên việc nâng cấp màn hình.
Vậy màn hình máy tính hiện nay có gì thú vị?
Độ trễ của màn hình IPS chỉ còn 1ms
Trước đây, nếu muốn một màn hình có độ trễ siêu thấp, bạn phải mua một tấm nền TN. Hầu hết các màn hình được trang bị 1 trong 3 loại tấm nền hiển thị sau: TN, IPS, và VA. Mỗi loại lại có ưu và nhược riêng.
Tấm nền TN được ưa chuộng vì có thời gian đáp ứng siêu thấp, chỉ 1ms. Nhờ đó, bạn hầu như sẽ không nhận ra độ trễ giữa thao tác nhập liệu bằng bàn phím và nội dung hiển thị trên màn hình, từ đó giảm các hiệu ứng như bóng ma và bóng mờ chuyển động. Vấn đề duy nhất của tấm nền TN là góc nhìn kém và khả năng tái hiện màu sắc cũng không được tốt.
Tấm nền IPS giải quyết được cả hai vấn đề đó. Bên cạnh việc có tỉ lệ tương phản tốt hơn hầu hết các tấm nền TN (có nghĩa là có màu đen sâu hơn), chúng còn có góc nhìn tốt hơn nhiều. Vấn đề duy nhất là, cho đến gần đây thì các tấm nền IPS vẫn chỉ đạt được độ trễ 4ms là thấp nhất.
Mọi thứ thay đổi vào tháng 6/2019, khi LG công bố một dòng màn hình Nano IPS tại E3. Đây là những tấm nền IPS đầu tiên trên thế giới với độ trễ 1ms. Có nghĩa là các game thủ không còn phải hi sinh khả năng tái tạo màu hay góc nhìn để có được một màn hình chơi game hiệu năng cao nữa.
Hiện tại, bạn có thể mua 2 màn hình Nano IPS từ LG: màn UltraGear 38-inch, thiết kế cong, tỉ lệ 21:9, 144Hz, giá 1.799 USD; hoặc lựa chọn rẻ hơn là màn UltraGear 27-inch, tỉ lệ 16:9, 144Hz, giá 499 USD.
Tần số làm tươi “chạm nóc”
Tần số làm tươi là số lần màn hình máy tính làm tươi mỗi giây. Tần số làm tươi 60Hz có nghĩa là màn hình sẽ cập nhật những gì đang hiển thị 60 lần mỗi giây. Dù 60Hz được xem là phù hợp một cách hoàn hảo cho mục đích sử dụng thông thường, các màn hình có tần số làm tươi cao hơn đang dần trở nên phổ biến hơn bao giờ hết.
Chỉ vài năm trước thôi, 144Hz còn là chuẩn mực mà các game thủ theo đuổi. Ngày nay, 240Hz không còn quá xa lạ nữa, và một số màn hình thậm chí còn có tần số làm tươi lên đến 280Hz. Khi kết hợp với một bộ PC mạnh mẽ tương ứng, một màn hình có tần số làm tươi cao có thể biến đổi hoàn toàn trải nghiệm chơi game của bạn.
Độ mượt mà là mấu chốt của vấn đề. Nếu bạn nâng cấp từ 60 lên 240 Hz, màn hình mới của bạn sẽ cập nhật thường xuyên hơn gấp 4 lần so với màn hình cũ. Bạn sẽ ngay lập tức nhận ra sự khác biệt trong quá trình sử dụng máy tính, từ rê chuột, đến cuộn trang web, đến chơi game.
Điều đó có cần thiết hay không? Không. Nếu có thì có tốt không? Có chứ. Bạn có muốn quay về với màn hình cũ có tần số làm tươi chậm hơn không? Có lẽ là không. Các màn hình có tần số làm tươi cao thường được quảng cáo là dành cho game thủ, đặc biệt là các game thủ thi đấu chuyên nghiệp – những người muốn tận dụng mọi lợi thế có thể trong quá trình chơi game.
May mắn là bạn không phải tiêu tốn quá nhiều tiền để có màn hình với tần số làm tươi cao. Các màn hình TN giá rẻ có tần số làm tươi thuộc dạng cao nhất trên thị trường, nếu bạn không ngại vấn đề về khả năng tái tạo màu và góc nhìn. Nếu bạn dư dả tiền bạc và muốn dùng tấm nền IPS, hãy đảm bảo chọn màn hình có độ trễ thấp nhất có thể (lý tưởng nhất là 1ms) để tránh hiện tượng bóng ma hoặc bóng mờ chuyển động.
Thay hai màn hình bằng một màn hình siêu rộng
Màn hình siêu rộng là màn hình có tỉ lệ 21:9. Để tiện so sánh thì màn hình rộng truyền thống có tỉ lệ 16:9, còn iPad thì có tỉ lệ 4:3 (cũng là tỉ lệ chuẩn trên các TV CRT thời xưa).
Nhờ vào chiều rộng khá lớn, một màn hình siêu rộng có thể thay thế được hai màn hình thông thường. Vì không còn phần viền ở giữa hai màn hình nữa, trải nghiệm có thể sẽ liền lạc hơn nhiều nhờ vào thiết kế cong.
Các màn hình siêu rộng ngày nay đã trở nên phổ biến hơn và có giá rẻ hơn. Bạn có thể sắm được một màn hình tỉ lệ 21:9 với chất lượng khá, như Acer XR342CK 34-inch 1440p 100Hz với giá chỉ khoảng 700 USD mà thôi. Bạn có thể tiết kiệm được thêm một chút nếu không quan tâm đến những tính năng như độ trễ siêu thấp.
Có thể bạn thấy tỉ lệ 21:9 vẫn chưa đủ rộng? Có thể bạn muốn một màn hình thay thế được cho 3 màn hình tiêu chuẩn, và tiền trong túi cũng đang rủng rỉnh? Hãy thử màn hình siêu siêu rộng 32:9, như màn hình 49WL95C-W 49-inch của LG, hiện có giá 1.500 USD.
Samsung, Dell, ASUS và các nhà sản xuất khác đều đã bước chân vào thị trường màn hình siêu rộng từ năm ngoái. Những màn hình rộng hơn bình thường của họ thường chấp nhận hi sinh tần số làm tươi cao và độ trễ siêu thấp để đổi lấy diện tích màn hình, do đó hãy chú ý vấn đề này nếu bạn đang muốn mua màn hình để chơi game.
Nếu quyết định đi theo con đường màn hình siêu rộng, bạn cũng nên biết thêm một điều nữa: không gian trên bàn làm việc. Các loại chân đế đi kèm màn hình siêu rộng thường khá lớn, đòi hỏi bàn phải có chiều rộng và chiều sâu. Một cách đơn giản để giải quyết vấn đề này là đặt màn hình lên một chân đế chuẩn VESA – loại chân đế này còn có thể giúp giảm độ rung lắc của màn hình (bạn không nghe nhầm đâu, màn hình siêu rộng sẽ rung lắc lắm đấy).
Giá màn hình 4K đã giảm đáng kể
Nếu bạn muốn một màn hình lớn, độ phân giải 4K là lựa chọn hàng đầu. Bạn không chỉ có độ phân giải cao hơn, có nghĩa là diện tích màn hình để sử dụng nhiều hơn, mà khi sử dụng những màn hình cỡ lớn từ 27 – 32inch ở độ phân giải 4K, chất lượng hình ảnh sẽ không bị ảnh hưởng. Nhờ mật độ điểm ảnh cao, màn hình vẫn sẽ trông sắc nét, và bạn khó mà thấy được từng điểm ảnh đơn lẻ.
Nếu không có nhiều tiền, bạn không nhất thiết phải quên đi 4K miễn là chấp nhận hi sinh một vài thứ. Những màn hình 4K giá rẻ thường có thời gian đáp ứng khoảng 5ms và tần số làm tươi 60Hz. Ví dụ, nhãn hiệu giá rẻ Monoprice hiện đang bán một mẫu màn hình 4K 27-inch, đạt chuẩn HDR400, với giá chưa đầy 400 USD.
Dù vậy, bạn vẫn cần quan tâm đến nhiều thứ khác khi mua màn hình 4K giá rẻ, bao gồm độ chính xác màu sắc. Nếu sử dụng màn hình vào những công việc liên quan màu sắc, như chỉnh sửa ảnh, làm màu video, hay hội họa, bạn nên cân chỉnh màn hình bằng một thiết bị cân chỉnh màu sau khi mua.
Nếu chấp nhận chi thêm một chút nữa, hay thử một vài lựa chọn như màn hình 4K LG 27UK850 với chứng nhận HDR10. Nó thậm chí còn sử dụng kết nối USB-C thời thượng nữa. Ở mức giá 500 USD, bạn sẽ có độ sáng ưu việt, độ chính xác màu sắc tuyệt vời, và chất lượng hoàn thiện tốt hơn so với các nhãn hiệu giá rẻ khác.
Hãy nhớ rằng, ngay cả những màn hình 4K tốt nhất cũng có những điểm thua thiệt khi so với các mẫu 1080p và 1440p. Lấy màn hình Acer Predator X27 làm ví dụ: màn hình giá 1.800 USD này có thời gian đáp ứng lên đến 4ms, tần số làm tươi 120Hz.
FreeSync và G-Sync đã khá phổ biến
FreeSync và G-Sync là hai công nghệ tương tự nhau, giúp giảm hiện tượng xé hình. “Xé hình” là khi những đường ngang khó chịu xuất hiện trên màn hình khi tần số làm tươi của màn hình không đồng bộ với máy tính. Khi tần số làm tươi giữa màn hình và máy tính liên tục được đồng bộ trong quá trình hoạt động, vấn đề này không còn nữa.
Mặc cho có cùng mục tiêu, hai công nghệ nói trên lại được triển khai theo những cách khác nhau. G-Sync là một công nghệ độc quyền, có nghĩa nó thuộc sở hữu và được bảo vệ bởi NVIDIA. Nó được triển khai thông qua một con chip phần cứng riêng biệt trong màn hình nhằm giảm bớt gánh nặng cho GPU.
FreeSync là công nghệ mở của AMD. Nó không dùng chip. Thay vào đó, nó dựa vào một công nghệ gọi là Adaptive Sync được tích hợp vào chuẩn DisplayPort. Nó đòi hỏi GPU phải làm việc nhiều hơn so với công nghệ G-Sync. Bạn còn buộc phải dùng DisplayPort (chứ không phải HDMI) mới tận dụng được công nghệ này.
Có nhiều màn hình sử dụng FreeSync hơn, bởi công nghệ này dễ triển khai hơn và các nhà sản xuất màn hình cũng không phải trả phí bản quyền cho NVIDIA. Tuy nhiên, FreeSync có thể gây ra hiện tượng bóng ma trên một số mẫu màn hình (các màn hình G-Sync hiếm khi gặp vấn đề này). Cả hai công nghệ đều giúp giảm đáng kể hiện tượng xé hình, và chúng có những ưu điểm đáng kể so với công nghệ V-Sync đã lỗi thời.
Nếu bạn là một game thủ, bạn sẽ muốn sở hữu một màn hình đạt chứng nhận FreeSYnc hay G-Sync. Tin tốt là công nghệ này hiện được mang lên khá nhiều dòng màn hình ở mọi phân khúc giá. Nếu ngân sách hạn hẹp, bạn nên tìm màn hình FreeSync. Nếu dư dả hơn, màn hình G-Sync sẽ mang lại hiệu năng tốt hơn cho bạn.
Có nên nâng cấp màn hình không?
Câu trả lời chắc chắn là có!
Nâng cấp không đơn thuần là cải thiện hiệu năng thuần của máy tính. Đôi lúc, bạn phải tiêu tiền cho những thứ ngoài thùng máy. Một màn hình mới có thể mang lại những nét tươi mới cho cả dàn máy tính của bạn và giúp bạn làm việc năng suất hơn. Nó còn mang lại một trải nghiệm sử dụng liền lạc hơn nhiều, dù bạn chơi game, chỉnh sửa ảnh, hay chỉ đơn giản là lướt web!
Từ khóa: bàn phím chơi game, msi, Custom water colling, samsung, tai nghe gaming, PUBG, ghe game da lat, asus, đà lạt, lg, garena, máy tính chơi liên minh, chuot, laptop phong vu, liên quân mobile, chuot choi game, laptop dalat, PC Build Time Lapse, ban phim, may tinh da lat, ryzen, Case Mod, laptop, phong vu da lat\, AMD, ban game da lat, logitech, phong vu, tin tuc, Gigabyte, gaming gear, pc da lat, intel, Asrock, tai nghe, pc gaming, man hinh, Corsair, build pc