MSI MPG 321URX QD-OLED: Màu sắc tương phản vẫn đỉnh, ấn tượng với những tính năng bảo vệ màn hình

Thật ra thì thời điểm CES 2024 diễn ra, mình để ý đến mẫu màn hình QD-OLED mang tên MPG 321URX của MSI không phải vì nó được nhà sản xuất phần cứng máy tính nổi tiếng ứng dụng tấm nền thế hệ thứ 3 của Samsung, với rất nhiều những cải tiến trong kết cấu subpixel, chất lượng và độ bền. Trái lại, cũng là cơn sốt AI, MSI nói sẽ tích hợp một tính năng gọi là SkySight, tận dụng thuật toán AI và phần mềm MSI Gaming Intelligence để “wallhack”, hiển thị vị trí của đối thủ ở những khu vực không có tầm nhìn.

Cả cộng đồng rộ lên những tranh cãi với SkySight. MSI thì luôn khẳng định rằng tính năng này “đọc” giúp người chơi những thông tin có sẵn trên minimap trong những trò chơi như Liên Minh Huyền Thoại hay DOTA 2 rồi hiển thị vị trí đối thủ có thể đang đứng trong màn chơi, nghĩa là không phải phần mềm gian lận, chỉ dựa vào dữ liệu có sẵn, người chơi có thể theo dõi. Nhưng quan điểm vẫn là, dùng phần mềm để “đọc hộ” thông tin cho người chơi, củng cố phản xạ và tỷ lệ giành chiến thắng của người chơi luôn là gian lận.

Thành ra ở thời điểm MPG URX321 ra mắt, trên trang chủ của MSI bỗng mất sạch những thông tin về SkySight. Mở chiếc màn hình này lên tìm trong menu, hay mò mẫm trong phần mềm MSI Gaming Intelligence, tuyệt nhiên chẳng thấy tính năng AI đó nữa.

MSI-OLED-tinhte-13.jpg

Có người sẽ nghĩ, nếu không có SkySight, MPG 321URX sẽ chỉ là một trong số rất nhiều những màn hình gaming trang bị tấm nền 4K 240Hz ứng dụng công nghệ OLED mà các hãng mới ra mắt gần đây. Nhưng chỉ tới khi sử dụng, rồi kết hợp trải nghiệm của chiếc màn hình này với những lần trước đó mình được dùng thử những mẫu màn hình OLED, từ gaming đến thiết kế, thì mới thấy QD-OLED thế hệ thứ 3 của Samsung không chỉ tạo ra trải nghiệm hoàn hảo hơn, mà bản thân riêng mẫu màn hình này cũng có những tính năng bảo vệ tấm nền đắt giá.

Chỉ riêng những tính năng bảo vệ màn OLED ấy cũng đủ để coi MPG 312URX là một sản phẩm đáng sở hữu lâu dài. Và mình cũng thực sự muốn những tính năng ấy hiện diện trên những sản phẩm cùng phân khúc của Samsung hay LG.

MSI-OLED-tinhte-1.jpg


Đầu tiên và quan trọng nhất, đây là một chiếc màn hình 32 inch tấm nền phẳng, chứ không phải tấm nền cong. Sau thế hệ màn hình máy tính nói chung và màn hình gaming nói riêng ứng dụng công nghệ OLED hồi năm ngoái, hầu hết là những giải pháp màn hình cong, thì đến đầu năm 2024, những sản phẩm mới đều ứng dụng thiết kế màn phẳng. Nhờ đó, những sản phẩm phân khúc giá từ 20 đến 40 triệu Đồng không chỉ phục vụ tạo ra góc nhìn thu hút anh em vào thế giới ảo nữa. Màn QD-OLED phẳng, với thế mạnh rõ ràng là độ chính xác hiển thị màu sắc, còn có thể dùng phục vụ những nhu cầu sáng tạo nội dung chuyên nghiệp nữa.

MSI-OLED-tinhte-15.jpg

Thứ hai, ở mức giá chừng 35 triệu Đồng tại thị trường Việt Nam, dựa theo thông tin tổng hợp từ những kênh bán lẻ, MPG 321URX không đánh đổi bất kỳ thông số kỹ thuật nào cả:

  • Độ phân giải màn hình 3480×2160 pixel, tần số quét tối đa 240Hz, tốc độ phản hồi điểm ảnh GtG 0.03ms.
  • Độ sáng tối đa 400 nits ở chế độ hiển thị HDR TrueBlack 400, hoặc 1000 nits ở chế độ hiển thị HDR 1000. Độ sáng tối đa ở chế độ hiển thị SDR 250 nits.
  • Kết nối 1x DP 1.4a, 2xHDMI 2.1, 1xUSB Type C (DP alt + PD 90W), kèm thêm ba cổng kết nối USB nhận tín hiệu thiết bị ngoại vi, dùng chung một bộ chuột phím để điều khiển nhiều thiết bị kết nối với màn cùng lúc thông qua giải pháp KVM.

MSI-OLED-tinhte-9.jpg

MSI-OLED-tinhte-10.jpg

Chi tiết đáng chú ý duy nhất ở mặt sau của chiếc màn hình có lẽ là dải đèn Mystic Light nho nhỏ, có thể điều chỉnh hiệu ứng thông qua phần mềm Gaming Intelligence. Nhưng cả kích thước lẫn vị trí của dải đèn này đều khá nhỏ, sẽ có lúc anh em không để tâm vì nó không thực sự tạo ra cảm giác ấn tượng như vài sản phẩm khác có trên thị trường. Vả lại, khi chơi game hay làm việc thì toàn bộ sự chú ý sẽ dồn vào màn hình, dải đèn phía sau màn hình theo mình chẳng khác gì dải RGB trên vài mẫu tai nghe gaming, không có nhiều giá trị thẩm mỹ.

MSI-OLED-tinhte-8.jpg

Thứ đáng nói đến nhất ở phía sau chiếc màn hình này là hệ thống 3 nút. Đầu tiên là nút nguồn ở bên trái, xét theo hướng ngồi của anh em trước màn hình máy tính. Ấn nút nguồn, màn sẽ tự động kích hoạt tính năng OLED Care, refresh toàn bộ hơn 8 triệu diode phát quang tương ứng cho hơn 8 triệu điểm ảnh trên màn hình 4K này. Đây chỉ là một trong số rất nhiều những tính năng bảo vệ tấm nền.

Ở giữa là nút OSD 5 chiều, để điều khiển menu điều chỉnh chế độ hiển thị cùng những tính năng hỗ trợ khi anh em chơi game, chẳng hạn như phóng to khu vực giữa màn hình, rất tiện khi chơi game FPS, hay bật tâm để xài súng ngắm dễ dàng hơn chẳng hạn. Tách nút OSD và nút nguồn thực tế là một lựa chọn rất khôn ngoan, vì thói quen của người dùng màn hình OLED về lâu dài sẽ là, nếu không dùng, chúng ta sẽ ấn nút nguồn để tắt màn, chứ không để màn ở chế độ Stand-by.

MSI-OLED-tinhte-4.jpg

Giống hệt như những sản phẩm màn hình gaming tấm nền OLED, kể cả là WOLED hay QD-OLED đang có trên thị trường, độ dày của bản thân tấm nền thì mỏng, nhưng luôn luôn có một cụm heatsink làm mát cho cả tấm nền lẫn bo mạch điều khiển tín hiệu hình ảnh khá lớn và dày. Cũng vì lý do đó, kèm cả chân đế, màn hình nặng tới 12.3 cân. Đương nhiên vẫn có những lỗ ốc vít chuẩn VESA để gắn ngàm 100x100mm, để anh em sử dụng chân monitor arm cho gọn gàng góc máy tính.

MSI-OLED-tinhte-11.jpg


Như đã đề cập trong chi tiết cấu hình của MPG 321URX trên đây, ở chế độ hiển thị thông thường chuẩn SDR trên Windows, macOS hay chơi game với máy console, độ sáng tối đa của màn hình chỉ là 250 nits. Con số này tương đồng với khả năng hiển thị SDR của hầu hết màn hình OLED cho máy tính cá nhân đang có trên thị trường.

Nhưng, như tấm hình chụp menu OSD anh em thấy ở trên, sẽ có hai chế độ hiển thị HDR để lựa chọn, một là theo chuẩn DisplayHDR True Black 400 của VESA, hoặc màn hình sẽ hiển thị màu sắc và hình ảnh ở độ sáng tối đa 1000 nits. Đương nhiên con số 400 hay 1000 nits chỉ áp dụng cho một tỷ lệ nhất định vài phần trăm trong tổng số hơn 8 triệu điểm ảnh trên màn hình. Nhưng chỉ ngần ấy là đủ, vì khi chơi game hoặc xử lý dựng clip có kèm theo thông tin tone mapping HDR để đăng lên YouTube hay trình diễn trên những TV, điện thoại và màn hình OLED khác, chỉ có một phần chi tiết hiển thị mới cần độ sáng mạnh và độ tương phản xuất sắc.

Đương nhiên lời khuyên được đưa ra vẫn là, hãy ở lại chế độ hiển thị DisplayHDR True Black 400 để đảm bảo tuổi thọ tấm nền QD-OLED, cũng như độ chính xác của màu sắc hiển thị về lâu dài, không xảy ra tình trạng bợt màu do diode phát quang hữu cơ bị lão hóa, hoặc xảy ra tình trạng burn-in, lưu ảnh trên màn hình.

MSI-OLED-tinhte-16.jpg

Và khi nói đến độ chính xác của màu sắc, thì rõ ràng công nghệ tấm nền OLED nói chung, QD-OLED nói riêng kết hợp cả diode phát quang hữu cơ với công nghệ chấm lượng tử không chỉ phù hợp cho giải trí, mà hoàn toàn có thể trở thành những giải pháp phục vụ cho đối tượng sáng tạo nội dung, từ làm clip đến chỉnh sửa ảnh. Chỉ riêng chuyện từng điểm ảnh, từng diode OLED có thể bật tắt tự do để tạo ra tỷ lệ tương phản tuyệt đối đã là một lợi thế. Rồi độ chính xác màu sắc của màn hình cũng lại là một lợi thế lớn khác.

Xét riêng tới trường hợp của MPG 321URX, quảng cáo của MSI là trung bình độ lệch màu ΔE nhỏ hơn 2. Nhưng thử nghiệm của mình, màn chưa cân màu, chỉnh màn ở chế độ hiển thị DCI-P3, độ sáng 70% cho ra kết quả như dưới đây. ΔE trung bình chỉ có 0.8. Nhưng dễ nhận ra những màu sắc như cam và nâu (vốn là màu cam nhưng thiếu độ sáng và độ rực) vẫn khiến tấm nền OLED gặp khó khăn. Còn trong khi đó, màu xanh cổ vịt, “kẻ thù” của những màn hình LCD, dù là IPS hay VA, lại không phải thứ gây khó dễ cho QD-OLED.

Chí ít thì nếu so sánh với công nghệ WOLED, QD-OLED giải quyết được một vấn đề rõ ràng là chất lượng, độ rực và độ ấn tượng của tông màu vàng ánh kim. Mấy clip HDR 10 trên YouTube hay những video chuẩn Dolby Vision dạng demo luôn đủ sức thu hút sự chú ý của bất kỳ ai.

MSI-OLED-tinhte-17.jpg

Đành rằng độ chính xác của màu sắc và độ phủ dải màu là thứ quan trọng. Nhưng trong giới hạn của một sản phẩm phục vụ nhu cầu gaming là chủ yếu, có lẽ những yếu tố khác nên được ưu tiên hơn.

Đầu tiên là tốc độ phản hồi của điểm ảnh. Như đã nói khá nhiều lần trước khi mình có cơ hội trải nghiệm những màn hình gaming OLED, vì không có lớp đèn nền như IPS hay VA chiếu sáng cho lớp tấm nền tinh thể lỏng phía trên, mà thay vào đó từng diode, từng điểm ảnh là một nguồn sáng độc lập, nên cả độ tương phản lẫn tốc độ phản hồi của điểm ảnh trên màn hình OLED là thứ hoàn hảo để phục vụ nhu cầu chơi game.

MSI sắp tới còn có thêm một sản phẩm màn hình QD-OLED khác, tên là MPG 271QRX, chữ Q viết tắt của QHD, tức là độ phân giải 1440p, còn số 27 thì là kích thước đường chéo màn hình, nhưng có thông tin không đề cập trong tên mã sản phẩm. Nó là một giải pháp màn hình gaming tần số quét 360Hz. Đó mới là giải pháp hoàn hảo phục vụ cho nhu cầu chơi game thể thao điện tử với những tác phẩm như CS2, Valorant hay LMHT.

MSI-OLED-tinhte-12.jpg

Nói vậy không đồng nghĩa với việc chơi CS2 và Valorant trên MPG 321URX không tạo ra trải nghiệm tốt. Với đại đa số người chơi game FPS online, 240Hz và tốc độ phản hồi 0.03ms là thứ quá hoàn hảo với nhu cầu và kỹ năng. Trong số đó có cả mình nữa.

Nếu như những màn hình 360Hz hay thậm chí sắp tới là 540Hz có thể tận dụng được tối đa sức mạnh của cấu hình máy tính chơi game cao cấp, và khả năng gửi tín hiệu của chuột ở tần số 2000 đến 8000Hz, thì chỉ có một tập khách hàng rất nhỏ thực sự cần và thực sự nhận ra khác biệt khi thi đấu, so với màn 240Hz và chuột phím polling rate 1000Hz.

MSI-OLED-tinhte-14.jpg

240Hz, như đã nói, là con số hoàn hảo đối với hầu hết mọi người dùng ở phân khúc cao cấp. Ngay cả RTX 4090 bây giờ chơi game AAA ở độ phân giải 4K cũng chỉ loanh quanh từ 120 đến 150 FPS nếu chỉnh chất lượng đồ họa tối đa. Lúc này, thứ quan trọng và có giá trị hơn là khả năng hỗ trợ hiển thị VRR, đồng bộ tần số quét với tốc độ khung hình, dao động từ 48 đến 240Hz. Với VRR, màn hình sẽ tránh được tối đa tình trạng khựng giật, vì dù tốc độ khung hình cao, nhưng nếu không khớp với tần số quét cố định, vẫn sẽ xảy ra tình trạng khựng.

Với những thông số như 32 inch 4K, kết hợp cả HDR 400 hoặc HDR 1000, và hỗ trợ VRR, MPG 321URX không chỉ hợp với việc chơi game PC, mà còn có thể trở thành chiếc màn hình duy nhất phục vụ cho hệ thống giải trí ở nhà của anh em, với PS5 hay Xbox Series X kết hợp chung với dàn máy PC.

MSI-OLED-tinhte-5.jpg


Bình thường thì đến đoạn này là bài viết chia sẻ trải nghiệm cho anh em đã có thể kết thúc, nếu như đó là một màn hình IPS hay VA/TN LCD. Nhưng với OLED nói chung và QD-OLED nói riêng, bảo hành tấm nền và những tính năng bảo vệ tấm nền tránh tình trạng burn-in giờ là yếu tố không được phép bỏ qua trong mọi bài đánh giá và cảm nhận sản phẩm.

Điều này còn đặc biệt đúng với màn hình máy tính. Nếu như TV OLED rất ít khi phải hiển thị tông màu trắng tinh, thứ ép các diode phải vận hành ở độ sáng và công suất tối đa, thì giao diện hệ điều hành và giao diện phần mềm của Windows và macOS lại có vô vàn những chi tiết như vậy. Thành ra nếu như độ sáng hiển thị của TV OLED là thứ đe dọa tuổi thọ tấm nền nhiều nhất, thì với màn hình máy tính, những nguy cơ nằm ở những chi tiết màu trắng và dàn biểu tượng logo và icon trong giao diện màn hình.

Để giải quyết nguy cơ lưu ảnh do hiển thị hình ảnh đứng im trong thời gian dài, có một giải pháp gọi là Pixel Shift. Màn hình lúc này sẽ có chứng 5 pixel dư ở cả 4 cạnh. Sau một khoảng thời gian nhất định, toàn bộ màn hình sẽ nhích qua 1 hướng ngẫu nhiên, để các diode được thay đổi về độ sáng và màu sắc, không hiển thị một chi tiết, một màu sắc quá lâu. MPG 321URX cũng có tính năng này, với khoảng dư pixel để hình ảnh nhích qua lại:

MSI-OLED-tinhte-6.jpg

Nhưng nếu Pixel Shift là không đủ, với taskbar của Windows 11, của macOS, hay của những phần mềm chạy trên nền tảng hai hệ điều hành này, thì MSI có thêm những tính năng khác:

  • Static Screen Detection: Những khu vực hiển thị hình ảnh quá ít hoặc không có chuyển động sẽ tự động giảm độ sáng. Ngay khi có chuyển động, độ sáng sẽ trở về ngưỡng bình thường.
  • Boundary Detection: Nhận diện black bar khi xem phim điện ảnh tỷ lệ 2.35:1 hoặc 2.39:1, giảm sáng ở những pixel lân cận khu vực black bar, những nơi rất dễ xảy ra tình trạng burn-in.
  • Taskbar Detection: Giống Static Screen Detection, hạ độ sáng khu vực taskbar của Windows hay macOS, những nơi có ký tự và logo, ký hiệu đứng im trong khoảng thời gian dài.
  • Multi Logo Detection: Cái này có nhiều giá trị nếu xem stream hoặc truyền hình, nơi logo của đài, những dải thông tin hay nhiều logo của các bên quảng cáo hiển thị đứng im ở một khu vực cố định, cũng hạ độ sáng của những khu vực ấy để giảm nguy cơ burn-in tấm nền.

MSI-OLED-tinhte-7.jpg

Có lẽ chính nhờ những tính năng rất hữu ích như vậy, mà MSI sẵn sàng cạnh tranh với các hãng khác với 3 năm bảo hành, kèm cả bảo hành burn-in tấm nền.


Với trải nghiệm của mình, có lẽ sẽ là công bằng khi nói MSI MPG 321URX là một ví dụ điển hình của câu nói “tốt gỗ hơn tốt nước sơn.” Thiết kế của chiếc màn hình này khó có thể so sánh với những đối thủ cạnh tranh cùng phân khúc trên thị trường màn hình gaming OLED và QD-OLED như LG, Asus và Samsung. Đổi lại, một khi đã khởi động game hay bắt đầu xem phim trên chiếc màn hình 32 inch này, ngay lập tức mọi cảm nhận về ngoại hình sản phẩm biến mất. Đổi lại là chất lượng hình ảnh khó có thể tìm ra điểm để chê.

Một lợi thế của tấm nền QD-OLED thế hệ thứ 3 của Samsung có lẽ là kết cấu subpixel mới. Thế hệ trước, ba subpixel R/G/B được sắp xếp theo bố cục hình tam giác, với hậu quả là chữ cái hiển thị trên giao diện màn hình bị nhòe. Còn tấm nền QD-OLED thế hệ mới thì xếp subpixel thẳng hàng vuông vức hơn, từ đó đảm bảo trải nghiệm làm việc.

MSI-OLED-tinhte-2.jpg

Ở thị trường nước ngoài, với cái giá 949 USD, cùng thời hạn bảo hành 3 năm kể cả tấm nền, MSI MPG 321URX là một món hời đối với những người đang muốn mua một mẫu màn hình gaming cao cấp công nghệ OLED. Còn ở thị trường Việt Nam, vì lựa chọn màn OLED 32 inch không nhiều, kèm thêm thuế nhập khẩu và thuế VAT, nên lợi thế về giá không phải thứ có thể đề cập.

Bù lại, nếu như chất lượng hình ảnh, độ chính xác màu sắc, độ tương phản và khả năng hiển thị HDR là thứ mọi người đều kỳ vọng ở một sản phẩm OLED cao cấp, thì những tính năng bảo vệ tấm nền để tăng độ bền sản phẩm, cộng với thời gian bảo hành rất cạnh tranh là thứ đáng nói nhất ở mẫu màn hình gaming mới ra mắt này.

Nguồn: Tinhte.vn