Elden Ring Shadow of the Erdtree – Đánh Giá Game

Shadow of the Erdtree – “Bầm dập, tả tơi” sau cuộc chạm trán với một đám “tiểu yêu lâu la” tưởng chừng “dễ xơi” ngay khi vừa mới bước vào game.

Thấp thỏm, bất an rón rén bước qua từng dãy hành lang chật hẹp, những địa đạo tối tăm với hàng tá cạm bẫy bủa vây khắp nơi, còn kẻ thù thì lúc nào cũng thập thò lấp ló trực chờ để bất ngờ đánh úp.

Hồi hộp, lo âu rồi lại căng thẳng đến tột độ mỗi khi bước vào một cánh cổng bao phủ bởi làn sương mờ vàng mà ngay phía sau là những con trùm hiểm ác dễ dàng “mần gỏi” người chơi chỉ trong vòng… một nốt nhạc.

Đó chính là những gia vị “khắc khổ” đặc trưng đã quá đỗi quen thuộc với những người hâm mộ các sản phẩm đến từ hãng phát triển game FromSoftware và tất cả đã quay trở lại sau bao tháng ngày dài ngóng trông tại phần mở rộng (DLC) Shadow of the Erdtree của Elden Ring, kiệt tác nghệ thuật đã mang về cho vị Đạo diễn lẫy lừng, Hidetaka Miyazakihàng loạt giải thưởng danh giá (trong đó có danh hiệu cao quý nhất “Game of the Year”, “thổi bay” siêu bom tấn God of War Ragnarok tại sự kiện The Game Awards năm 2022) mà đến nay vẫn được vinh danh là một trong những tựa game hành động thế giới mở xuất sắc nhất mọi thời đại.

Nhưng cũng như câu thành ngữ “Thành Rome không thể xây nên trong một ngày”, thành công của Elden Ring ngày ấy không hề đến một sớm một chiều, mà đó là cả một quá trình dài mài giũa từ trải nghiệm của người chơi, cách xây dựng hệ thống lớp nhân vật, lối dẫn truyện nhiều hàm ý cho đến cơ chế chiến đấu đặc trưng mang lại những cảm xúc riêng biệt không thể nào nhầm lẫn giữa game Soulslike “chính chủ” với phần còn lại của thị trường game nhập vai hành động.

Và chắc chắn rằng ở hiện tại cũng không có một bản game DLC nào có thể mang lại sức hút khủng khiếp như Shadow of the Erdtree, khi không chỉ càn lướt khắp các mạng xã hội và truyền thông mà nó còn vừa cán mốc doanh số 5 triệu bản chỉ trong… ba ngày ra mắt, một con số mà ngay cả DLC nứt tiếng Phantom Liberty của Cyberpunk 2077 (tựa game được đặt hàng nhiều nhất trong lịch sử với hơn 8 triệu pre-order) cũng phải mất vài tháng mới đạt được.

Với kỳ vọng lớn lao như vậy thì liệu Shadow of the Erdtree có tiếp nối thành công, vượt qua chính cái bóng vĩ đại của “cây đại thụ” Elden Ring hay không? 

Hãy cùng Vietgame.asia leo lên lưng thần mã Torrent, phi nước đại tiến vào vùng đất bóng tối Land of Shadow để tìm hiểu thực hư thế nào qua bài viết sau, các bạn nhé!

Cũng xin lưu ý, người viết sẽ giấu tên tất cả các con trùm và hạn chế tối đa đề cập tới các sự kiện chính để bạn đọc được thưởng thức tựa game một cách trọn vẹn nhất.

BẠN SẼ THÍCH

Tuy lạ mà quen!

Để tới được địa điểm mới Realm of Shadow, game yêu cầu người chơi phải hoàn thành một số tác vụ cụ thể trong bản gốc Elden Ring như đánh bại hai Á thần Radahn và Mohg, đến được quả nhộng nằm ở phía cuối cung điện Mohgwyn Dynasty Mausoleum, nơi sẽ khởi đầu hành trình đi tìm lời đáp cho số phận của Miquella Nhân Từ, nhân vật nhiều bí ẩn và cũng là em trai song sinh của nữ chiến binh bất bại Malenia.

Những yêu cầu này không hề xa lạ với ai đã từng chơi các DLC đến từ FromSoftware trước đây như Ringed City của Dark Souls 3 hay The Old Hunters trong Bloodborne, nhưng có một điều thú vị khi Elden Ring lại là tựa game thế giới mở rộng lớn đầu tiên của bổn hãng và với khối lượng nội dung đồ sộ thì có những game thủ hiện tại đã “cày” tới ngưỡng Rune Level (cấp độ nhân vật) cao hơn cả… 500 hay thậm chí còn đang “cưỡi ngựa dạo chơi” theo đúng nghĩa đen ở vòng chơi lại (New Game+)… thứ 7.

Như vậy chả phải các thử thách mà Shadow of the Erdtree mang lại sẽ chẳng còn thấm thía gì với những người chơi thuộc diện “hardcore” này và ở mặt ngược lại, sẽ quá là “chông gai” với những ai chỉ chơi tới một mức độ vừa đủ để “mở khóa” được DLC hay sao?

Hãng game FromSoftware đã khéo léo giải quyết bài toán cân bằng này bằng một cơ chế phát triển nhân vật cùng triệu hồi (summon) hoàn toàn mới thông qua việc thu nhặt những mảnh vỡ Scadutree Fragment và Revered Spirit Ash nằm rải rác khắp mọi nơi trên bản đồ, hoặc rớt ra từ một số đối thủ khó nhằn trong game.

Cơ chế này cũng tương tự các chuỗi hạt sức mạnh Prayer beads trong Sekiro: Shadows Die Twice, khi sở hữu số lượng càng nhiều thì vai chính Wolf càng mạnh, nhưng có khác biệt là Scadutree Blessing cường hóa đồng thời cả mức sát thương lẫn khả năng chịu đòn của nhân vật trong Shadow of the Erdtree theo cấp số nhân một cách đáng kể, và đương nhiên… cũng mất tác dụng khi người chơi quay về lại bản game gốc.

Chính nhờ đặc điểm này mà game tạo động lực to lớn thôi thúc người chơi phải liên tục vận động mày mò khám phá đến “cùng trời cuối đất”, tận dụng những ưu điểm mới thay vì chỉ chăm chăm vào lợi thế có sẵn trước đó để săn tìm “mần thịt” trùm hay “chạy đua” nhằm hoàn thành game một cách chóng vánh nhất!

Cụ thể là khi mới bước chân vào DLC, nhân vật của người viết với Rune Level 160 (cao hơn cả mức yêu cầu của hãng game), chỉ số Vigor 50, mặc giáp Medium nhưng cũng chỉ gánh được tầm… hai nhát của một con lính quèn tại tòa thành Shadowkeep là “xanh cỏ”, còn khi vào tới những trận đấu trùm thì quả đúng là “ối giời ơi” luôn, thật trớ trêu khi cái danh xưng chúa tể Elden Lord đạt được khi “về nước” game ngày trước bấy giờ chỉ còn đáng gọi là… “hữu danh vô thực”.

FromSoftware đã khéo léo giải quyết bài toán cân bằng này bằng một cơ chế phát triển nhân vật cùng triệu hồi (summon) hoàn toàn mới thông qua việc thu nhặt những mảnh vỡ Scadutree Fragment và Revered Spirit Ash

Ngược lại, sau khi đã chu du từ bắc chí nam, lục lọi tấn tần tật mọi ngóc ngách của bản đồ và cấp độ Blessing đạt được một ngưỡng kha khá thì mọi thứ lại trở nên “dễ thở” hơn rất nhiều, đem về những trải nghiệm thật sự “đáng đồng tiền bát gạo”.

Đáng nói là những chuyến hành trình đó đã không chỉ giúp nhân vật của người viết mạnh hơn mà còn mang lại cảm xúc vỡ òa khi bất ngờ phát hiện những khu vực độc đáo mới lạ, chỉ từ vài chi tiết hết sức nhỏ nhặt như tình cờ nhảy vào một… cái hố, bắt gặp những con quái vật có hình thù kỳ dị, những cuộc chạm trán đầy bất ngờ kèm theo các trang bị và binh khí phải gọi là tuyệt phẩm.


Ngập tràn trang bị, cách “xây” nhân vật thiên biến vạn hóa

Nếu số lượng trang bị ở phần game gốc có thể đã khiến nhiều người phải “xây xẩm mặt mày” thì Shadow of the Erdtree còn đem lại tới tận hơn… 100 món vũ khí, vài chục bộ khiên giáp cùng các phù vật Talisman, các phép thuật mới, nhiều tới nỗi hãng game đã thêm hẳng một danh mục hiển thị những món vừa mới gom nhặt được vào hành trang gọi là “Recent Item”, để người chơi hết phải loay hoay đi tìm đúng món mình cần trong một kho chứa đã trở nên quá cỡ!

Người viết cũng cam đoan là tất cả mọi đường “xây” (xây dựng nhân vật) từ hệ vật lý thuần sức mạnh (Strength), hệ chơi đao kiếm mặc giáp nhẹ (Dexterity), hệ phép (Intelligence), bùa chú sư (Incantations) hay kết hợp cả nhiều thứ với nhau đều sẽ tìm thấy cho mình tại bản DLC những món đồ chơi “chân lý” mới, không chỉ vừa mạnh, đẹp, độc đáo về ngoại hình mà còn “tặng” kèm thêm những Ash of War (tuyệt chiêu) xịn sò nữa đấy!

Chẳng hạn một người vốn đam mê lớp nhân vật võ sĩ đạo (Samurai) như người viết cũng thử một lần chuyển hệ và “trót yêu” món bao tay Dryleaf Art có các thế đánh võ thuật sử dụng liên hoàn quyền cước, không chỉ giúp “cosplay” được nhân vật yêu thích Tifa trong Final Fantasy VII, mà còn có thể kết hợp (Fuse) nó với các nguyên tố như Băng hoặc Máu tạo ra các hiệu ứng debuff Frostbite, Blood Loss, dễ dàng làm nhiều đối thủ nặng ký “bay màu” khi còn chưa kịp ra đòn.

Với hướng đi hệ “thuần” Dex thì cũng có thể kể ra ngay vài cái tên tiêu biểu để người chơi lựa chọn như Light Greatsword Milady có tư thế tấn công “múa xoay vòng” làm gợi nhớ người viết tới “Sói ca” huyền thoại Geralt trong game The Witcher 3, kiếm Nhật (Katana) Sword of Night có hiệu ứng phụ trợ độc đáo cùng chuỗi ra đòn liên hoàn Ash Of War ảo diệu như tuyệt kỹ Waterfowl Dance của “idol” Malenia trong Elden Ring.

Ngoài ra, game cũng không thiếu những vật phẩm có phần “hài hước” như thanh đại kiếm có thể bắn ra… tắc kè, một tấm khiên nhưng có hai đầu nhọn dùng để đâm chọt hoặc ở khía cạnh khác là những binh khí với sát thương khủng khiếp tới… “phá game”, ví dụ cây búa Bloodfiend’s Arm có thể bơm thông số khởi tạo “debuff” mất máu (Blood buildup) lên tới xấp xỉ 200, chiêu phép Carian Sovereignty dễ dàng cuốn bay gần 10.000 điểm máu vài con trùm khó nhằn chỉ sau 2 nhát chém, thật hy vọng là chúng không bị hãng game… “vá” lại quá sớm.

Cũng may là Shadow of the Erdtree tăng cường thêm 9 quả Larval Tear để người chơi thoải mái “tẩy điểm”, trải nghiệm những đường build mới, cùng với đó là một số lượng kha khá Ash Spirit Summon được thêm thắt cho những ai ưa thích phong cách triệu hồi “đệ” vào hỗ trợ những trận chiến cam go.

Và đương nhiên, khi đã có “đồ ngon, cách “xây” xịn” thì phải có cơ hội để thử nghiệm và không có lý tưởng nào hơn là sử dụng chúng vào chính những trận đấu trùm cân não, tâm điểm của bất kỳ một tựa game Soulslike nào, kể từ khi khái niệm này xuất hiện từ những năm đầu thập niên 2010.

Như đề cập từ trước thì người viết sẽ không “spoil” quá nhiều về những con trùm “tai to mặt lớn” xuất hiện trong DLC lần này nhưng có thể nói chung là phần lớn chúng đều mang lại cảm giác thỏa mãn về cả trải nghiệm chơi lẫn khía cạnh nghe nhìn, thậm chí còn mang lại một chút gì đó rất hoài niệm về những cái tên “khét tiếng” một thời trong Dark Souls 3 trước đây như Pontiff Sulyvahn hay The Nameless King.

Những trùm ở cấp bậc Legend trở lên sẽ đều có ít nhất hai phiên đánh (Phase), với vế sau hoành tráng, ấn tượng và dễ dàng “gieo sầu” cho cả những game thủ thuộc hàng lão luyện nhất.

Số lượng đối thủ còn lại cũng rất đa dạng khi được kế thừa những thiết kế đặc trưng từ phần game gốc, có thể kể đến như những con Golem người đá khổng lồ mang hình dáng như những cây đuốc di động, các trùm nhỏ (mini-boss) dạng linh hồn người ẩn chứa bên dưới các tàn tích, những nhân vật NPC từ bạn trở thành thù hay cho đến những quái vật kỳ quái hay loài rồng cổ đại quyền năng và hùng mạnh.

Nếu số lượng trang bị ở phần game gốc có thể đã khiến nhiều người phải “xây xẩm mặt mày” thì Shadow of the Erdtree còn đem lại tới tận hơn… 100 món vũ khí, vài chục bộ khiên giáp cùng các phù vật Talisman, các phép thuật mới


Shadow of the Erdtree

Choáng ngợp!

Như lần đầu bước ra chiêm ngưỡng cánh đồng Limgrave, mở màn chuyến hành trình trở thành Elden Lord của The Tarnished, Shadow of the Erdtree cũng gây ấn tượng mạnh về thị giác khi khởi đầu bằng một khung cảnh góc rộng, hùng vĩ bao quát toàn bộ khung hình với phía cuối chân trời xa xăm là thân cây khổng lồ Erdtree mang màu sắc u tối đối lập phần game gốc.

Đi kèm đó là hình ảnh lấp ló ẩn hiện của các khu vực chính, làm khơi gợi tính phiêu lưu, tìm tòi và khám phá của người chơi.

Có lẽ vị Đạo diễn Miyazaki đã quá “khiêm tốn” khi ông miêu tả Shadow of the Erdtree có quy mô chỉ tương đương với Limgrave, vì thực tế thế giới trong game không chỉ rộng lớn hơn người chơi kỳ vọng mà còn phát triển theo trục dọc, cùng nhiều lớp lang ẩn chứa sâu bên dưới bề mặt địa hình khởi điểm.

Shadow of the Erdtree

Bản DLC cũng tiếp tục kế thừa những giá trị không chỉ từng làm nên thành công rực rỡ cho Elden Ring trước đó mà còn đem phong cách đặc trưng Soulslike vốn “khó xơi”, tiếp cận được gần gũi hơn với số đông đại chúng, chính là một sự tự do vô bờ bến theo tinh thần “game sandbox”, không “cầm tay chỉ đường”, không có một lộ trình nào cụ thể, người chơi thích đi đâu hay làm gì trước hoặc sau cũng được

Nào là lần theo các thánh tích của Miquella, khám phá các hầm mộ Catacomb, theo dấu các NPC tìm kiếm những món trang bị mới, có khi lại lạc lối tại giữa một tòa lâu đài khổng lồ có thiết kế đúng chuẩn Legacy Dungeon (những khu vực đặc trưng trong dòng game Dark Souls) có thể ngốn hàng giờ chỉ để khám phá hết các bí mật được ẩn chứa bên trong nó.

Bạn mắc kẹt ở một con trùm? Không sao, bạn có thể đi khám phá tiếp, chờ mạnh hơn rồi hẵng quay trở lại.

Bạn đi tới phía cuối một địa đạo mà không còn lối đi nào khác? Chỉ cần loanh quanh mò mẫm gần đó, lại tìm thấy manh mối trọng yếu hay thậm chí là bước qua một thế giới hoàn toàn khác!

Shadow of the Erdtree

Miyazaki đã quá “khiêm tốn” khi ông miêu tả Shadow of the Erdtree có quy mô chỉ tương đương với Limgrave, vì thực tế thế giới trong game không chỉ rộng lớn hơn người chơi kỳ vọng mà còn phát triển theo trục dọc, cùng nhiều lớp lang ẩn chứa

Nếu ở phần game gốc bạn còn có mục tiêu rõ ràng là phải săn lùng ít nhất hai Á Thần nắm giữ những mảnh Great Rune, được cô nàng Melina phò trợ hay waifu Ranni dẫn đường, thì ở bản DLC lần này là một cuộc phiêu lưu theo đúng nghĩa… “tự thân vận động”.

Tất cả hành trình còn được tô điểm bởi những khung hình đẹp như tranh, lúc thì ma mị huyền ảo, lúc thì lộng lẫy tráng lệ, thỉnh thoảng làm người viết sững sờ “đứng hình” mất vài giây liên tục bấm nút chụp màn hình mà quên mất luôn kẻ thù đang… bắn tỉa từ phía đằng xa.

Nếu không tính thời gian “ăn hành” của các trùm thì tổng số lượng giờ chơi của người viết cũng phải hơn 25 tiếng, một con số ngang ngửa với cả độ dài của một game hành động bom tấn riêng lẻ!

BẠN SẼ GHÉT

Shadow of the Erdtree

Vài yếu tố có thể gây khó chịu!

Khi Shadow of the Erdtree vừa ra mắt thì đã vấp phải nhiều bình luận của người chơi rằng game… khó quá mức cần thiết, đỉnh điểm còn tạo nên một làn sóng đánh giá điểm thấp trên Steam, khiến lần đầu tiên Elden Ring bị rớt xuống thang điểm gần mức tiêu cực của nền tảng này.

Quả thật sau khi “cày nát” DLC, người viết cũng phần nào thấu hiểu được những lời than phiền này và rõ ràng họ cũng có cơ sở khi chính FromSoftware ngay sau đó cũng tung ra bản vá đầu tiên (patch 1.12) khiến game dễ đi phần nào, tương tự như hãng đã từng làm trước đây với bản mở rộng Ringed City trong Dark Souls 3, vốn từng khiến nhiều người chơi… “trầm cảm” vì quá khó!

Nói đúng ra thì trải nghiệm của mỗi người là sẽ khác nhau nhưng nhìn chung vấn đề này vẫn có thể diễn giải từ hai tác nhân chính: giới hạn góc nhìn camera và biên độ tấn công của trùm.

Shadow of the Erdtree

Cơ bản là Shadow of the Erdtree có ít nhất 4 con trùm quá khổ hoặc di chuyển quá nhiều khiến góc camera quá cận cảnh của game vô tình trở thành… đối thủ chính của người chơi khi không thể theo kịp hành động của chúng, nhất là đối với những lớp nhân vật sử dụng lối đánh cận chiến.

Nhiều lần người viết chứng kiến cảnh màn hình “xoay mòng mòng” khi sử dụng tính năng khóa mục tiêu (Target Lock) vào con trùm, bị các hiệu ứng “màu mè hoa lá hẹ” che phủ gần kín tầm quan sát hoặc thậm chí không thể đánh trúng một điểm nào của đối phương rồi phải gánh chịu sát thương oan ức.

Kế đến, biên độ tấn công một số trùm trong bản DLC kéo dài “ngoài sức tưởng tượng”, những tràng đòn liên hoàn hơn 10 chiêu lúc nhanh, lúc chậm khó để “đọc vị” là “chuyện thường ngày ở huyện”, người chơi có rất ít không thời gian xoay sở và chỉ cần phán đoán sai trong tíc tắc là sẽ dễ dẫn đến hai kết cục, bị đánh “sấp mặt” khi đang uống bình hồi máu do AI phân tích “bắt bài” thao tác (input reading) hoặc… ”rút ống thở” cho nhân vật về lại checkpoint (điểm lưu tạm) mà thử một vận may khác.

Shadow of the Erdtree

Chưa kể, có một con trùm sử dụng thú cưỡi… xộc thẳng vào người chơi ngay khi mới vừa bước vào địa điểm chiến đấu khiến nhiều người chơi thậm chí còn không kịp bấm nút triệu hồi (summon) Spirit Ash, rất may là lỗi này cũng đã được hãng game “vá” lại với patch 1.12.3 vừa mới đây.

Cuối cùng thì việc tối ưu hiệu năng của game mặc dù có cải thiện so với Elden Ring khi mới ra mắt nhưng hiện tượng trồi sụt khung hình (frame rate) vẫn diễn ra thường xuyên, ngay ở chế độ Prioritize Frame Rate (Ưu tiên tốc độ khung hình).

Cơ bản là Shadow of the Erdtree có ít nhất 4 con trùm quá khổ hoặc di chuyển quá nhiều khiến góc camera quá cận cảnh của game vô tình trở thành… đối thủ chính của người chơi

Nguồn: Vietgame.asia