Điều gì đã giúp Lenovo Yoga Slim 7i trở thành mẫu laptop khiến giới văn phòng dùng phát “yêu” luôn
Thiết kế thanh lịch, hiệu năng mạnh mẽ, Lenovo Yoga Slim 7i hội tụ gần như đủ mọi yếu tố để trở thành một đối thủ đáng gờm trong phân khúc Ultrabook dành cho doanh nhân.
Mới đây, Lenovo đã giới thiệu tới thị trường Việt Nam mẫu Yoga Slim 7i – đại diện mới nhất của dòng sản phẩm Yoga mang đến nhiều những nâng cấp mới mẻ, đặc biệt là trong phần cứng với sự xuất hiện của vi xử lý Intel Core Ultra 7 thế hệ mới cùng dung lượng RAM “khủng” lên đến 32GB. Đây có thể xem là một thay đổi khá mạnh mẽ nhất là khi Intel Core Ultra vẫn đang là một cái tên hot trong thời gian vừa qua với rất nhiều các sản phẩm được tích hợp nền tảng này đã nhận được các đánh giá tích cực từ cả chuyên gia cho đến người dùng.
Vậy Yoga Slim 7i với những trang bị mới có thực sự gây được ấn tượng với khách hàng mà dòng sản phẩm này đang hướng đến, giới doanh nhân văn phòng – những người luôn có sự đòi hỏi khắt khe cả về thiết kế, hiệu năng lẫn trải nghiệm di động cân bằng?
Thanh lịch tinh tế nhưng vẫn có điểm trừ
Để mà nói về nào là thiết kế mới mẻ, đột phá hay vẻ ngoài khác biệt thì đây chắc chắn là những thứ mà Lenovo …không có. Chúng ta cần phải nhìn nhận rằng hầu hết các sản phẩm của hãng đều mang nét gì đó “an toàn” trong phần ngoại hình, thường sẽ là sự kết hợp giữa các phong cách thiết kế tinh tế, tối giản tuy không hề lỗi mốt nhưng khó có thể đem lại cảm giác phấn khích hào hứng.
Và Yoga Slim 7i cũng không nằm ngoài truyền thống này. Đây thực sự không phải là điểm chê vì vẻ ngoài của chiếc máy này vẫn toát ra nét thanh lịch, sang trọng của một thiết bị công nghệ cao cấp. Thế nhưng phong cách thiết kế có phần “chín chắn” này có lẽ sẽ phù hợp với những người ưu chuộng tính thực dụng, những doanh nhân ít quan tâm đến vẻ bề ngoài.
Yoga Slim 7i hầu như không có bất cứ điểm “trang trí” nào trên mặt A ngoài logo Yoga và Lenovo được khắc chìm sáng bóng và đặt ở góc rất cơ bản tạo điểm nhấn nhận diện. Toàn bộ phần khung thân máy đều được làm bằng vật liệu hợp kim nhôm, cho cảm giác cầm nắm cực kỳ chắc chắn và cứng cáp bất chấp thiết kế mỏng nhẹ của một mẫu Ultrabook.
Lenovo cho biết mẫu máy này tuy không được thiết kế theo các tiêu chuẩn quân sự như MIL-STD 810H nhưng vẫn hoàn thành các bài đánh giá về độ bền có mức độ tương đương.
Một điểm thú vị khác là phần cạnh bao quanh thân máy được thiết kế bo cong đều chứ không theo hướng phẳng vuông vức thường thấy hiện nay. Điều này giúp cho người dùng khi cầm máy trên tay không bị cảm giác cấn bởi phần cạnh vuông quá sắc bén cũng như việc nhấc máy khi đang đặt trên trở nên dễ dàng hơn. Thế nhưng điểm trừ ở đây cũng lại đến từ chính thiết kế này.
Với phần cạnh dưới cong trong khi đó cạnh trên màn hình lại theo dạng thẳng từ đó khiến cho việc cầm máy khi gập có cảm giác không được liền lạc mượt mà nguyên khối. Không những thế, việc phần cạnh cong này lại “lồi” ra một chút so với cạnh màn hình, nếu nhìn ở xa thì sẽ khó thấy nhưng với những ai mắc phải hội chứng OCD và ngồi gần thì tôi nghĩ rằng điều này sẽ mang lại cảm giác khá khó chịu. Nhưng tất nhiên, những điểm trừ này cũng khá là nhỏ khi nhắc đến những nâng cấp bên trong mà mẫu máy này đang sở hữu.
Hiệu năng mạnh mẽ với Intel Core Ultra
Nhắc đến cấu hình phần cứng thì đây chính là nâng cấp đáng kể nhất của Yoga Slim 7i so với thế hệ tiền nhiệm. Cụ thể, mẫu máy đang được sử dụng trong bài viết này được trang bị vi xử lý Intel Core Ultra 7 155H đi cùng với 32GB RAM LPDDR5 và 512GB bộ nhớ trong M.2 NVMe PCIe 4.0 SSD.
Trong đó, Core Ultra 7 155H là mẫu chip sở hữu 16 nhân với 22 luồng, trong đó có 6 nhân P-Core, 8 nhân E-Core và 2 nhân tiết kiệm điện cấp thấp (Low-power Efficient-cores, LPE). Kết hợp cùng công nghệ Intel Thread Director cho phép phân bổ tiến trình một cách thông minh giữa các nhân tiết kiệm điện hay hiệu năng cao, qua đó giúp nâng cao hiệu suất xử lý đồng thời tối ưu hóa khả năng sử dụng năng lượng.
Điều này được thể hiện rõ nét trong bài đánh giá Geekbench khi vi xử lý này đạt 2389 điểm đơn nhân và 11832 điểm đa nhân. Đây được xem là số điểm khá tương đồng với mẫu Core i7 13700H cũng trên bài đánh giá này. Tuy nhiên, điểm đáng nói ở đây là con chip Core i7 13700H chạy với mức TDP lên đến 45W trong khi mẫu Core Ultra 7 155H lại chỉ có mức TDP 28W cho thấy rằng con chip này vẫn có thể cho hiệu năng tương đương nhưng lại tiêu thụ ít năng lượng hơn.
Chuyển sang bài đánh giá CineBench R23, con chip này cũng đạt 12825 điểm đa nhân và 1751 điểm đơn nhân, nhỉnh hơn một chút so với mẫu Core Ultra 5 125H mà tôi đã từng thử trước đây trên cùng một bài đánh giá. Đây có thể nói là một điểm số khá ấn tượng so với một mẫu máy hướng đến đối tượng văn phòng, đủ sức đáp ứng hầu hết các tác vụ công việc hàng ngày. Một yếu tố khá hay chính là việc Yoga Slim 7i kiểm soát mức nhiệt khá tốt, ngay cả khi đánh giá thì quạt cũng quay rất nhẹ và không mang đến cảm giác ấm ấm trên bề mặt dù do đây là một mẫu máy có khung hoàn toàn bằng kim loại.
Bên cạnh đó, với trang bị GPU Intel Arc Graphics, Yoga Slim 7i cũng đem lại kỳ vọng về khả năng xử lý các tác vụ đồ hoạ mạnh mẽ mà nhiều khi còn vượt quá yêu cầu của một mẫu laptop văn phòng. Qua các bài đánh giá của GeekBench 6, con chip này đạt 35944 điểm OpenGL và 33219 điểm Vulcan, một con số ấn tượng và vượt trội hơn hẳn thế hệ cũ. Và điều này được thể hiện rõ nhất khi tôi chơi hai tựa game FPS đình đám Valorant.
Với mức cài đặt trung bình máy cũng có thể dễ dàng đạt con số 180fps tại những khung hình tĩnh và giao động ổn định trong khoảng 150 đến 170FPS ở những pha combat hay giao tranh. Ngay cả khi đẩy mức đồ hoạ lên cao nhất, chiếc máy vẫn hoàn toàn dễ dàng mang đến con số 120FPS. Hiện tượng drop khung hình hay giật lag cũng xảy ra khá ít, từ đó chứng tỏ một khả năng xử lý đồ hoạ mạnh mẽ, ổn định. Thực ra, với một mẫu laptop dành cho doanh nhân như Yoga Slim 7i người dùng cũng sẽ không mấy quan tâm đến điều này, nhưng nếu có thể hỗ trợ chơi game giải trí khi cần thì một chiếc máy có thể đáp ứng được cũng sẽ tốt hơn nhiều.
Mặc dù các con chip Intel Core Ultra đều được trang bị nhân NPU hỗ trợ xử lý các tác vụ AI, tuy nhiên ở thời điểm hiện tại thì khả năng tương thích giữa phần mềm và phần cứng để có thể chạy các tác vụ AI trên NPU vẫn còn hạn chế. Nhưng không thể phủ nhận rằng đây cũng là một nâng cấp đáng chú ý, giúp người dùng bắt kịp xu hướng AI đang rất phổ biến hiện nay. Điển hình như ngay trên bản thân chiếc Yoga Slim 7i cũng được trang bị một phím bấm riêng để gọi AI Copilot của Microsoft một cách nhanh chóng thuận tiện.
Bên cạnh con chip, điểm nhấn thú vị của Yoga Slim 7i là việc chiếc máy trang bị đến 32GB RAM LPDDR5x với bus 7467MHz. Với dung lượng RAM khủng như vậy, việc có thể đáp ứng mở nhiều ứng dụng hoặc tải các tập tin văn phòng cỡ lỡn là điều khá dễ dàng.
Thực tế cho thấy, việc có thể mở nhiều tab khác nhau, chuyển tab qua lại trên trình duyệt hay đối chiếu thông tin trên nhiều ứng dụng, mở các tập tin dữ liệu cỡ lớn để phục vụ cho công việc của tôi diễn ra rất mượt mà. Hầu như không có hiện tượng giật lag hoặc trễ hiển thị mỗi khi chuyển trang khiến cho trải nghiệm giờ đây liền mạnh và nhanh chóng hơn.
Tuy nhiên, RAM của Yoga Slim 7i sẽ được hàn thẳng trên bo mạch nên máy sẽ không hỗ trợ nâng cấp RAM. Nhưng với công việc văn phòng mà nói thì 32GB có thể nói là khá dư giả nên người dùng cũng không cần quan tâm đến chi tiết này. Bộ nhớ trong 512GB cũng có thể được xem là đủ dùng, với nhu cầu công việc giấy tờ hiện tại. Đương nhiên bạn vẫn có thể nâng cấp, nhưng sẽ cần thay đổi cả ổ cứng.
Với tôi, dung lượng pin 65WHrs của Yoga Slim 7i là chưa thực sự ấn tượng. Tuy nhiên, do sử dụng thế hệ Intel Core Ultra nên khả năng tối ưu hoá, điều tiết năng lượng khi sử dụng cũng giúp ích phần nào cho việc tăng thời lượng sử dụng. Chưa kể, Yoga Slim 7i cũng nhận được nhãn Intel Evo nên chắc chắn sẽ đảm bảo một trải nghiệm bền bỉ, lâu dài gần như cả ngày.
Điểm nhấn ở đây là việc Lenovo trang bị tính năng Rapid Charge giúp máy có thể sạc nhanh hơn trong chế độ nghỉ ngơi. Với củ sạc 65W đi kèm, người dùng nếu phát hiện máy gần hết pin thì có thể tranh thủ thời gian sạc nhanh với tính năng này để thư giãn và quay lại làm việc ngay khi máy sẵn sàng.
Trải nghiệm thích, làm việc sang
Yoga Slim 7i được trang bị màn hình OLED với kích thước 14 inch cùng độ phân giải WUXGA (1920×1200). Màn hình này có khả năng tái tạo 100% dải màu DCI-P3 cùng với đó là hỗ trợ hàng loạt các công nghệ trình diễn như DisplayHDR True Black 500, Dolby Vision. Trải nghiệm thực tế cho thấy khả năng hiển thị của Yoga Slim 7i là khá ấn tượng. Hình ảnh sắc nét, chi tiết cùng màu sắc chân thực với độ tương phản tốt cho khả năng giải trí, xem phim hay làm các công việc liên quan đều đồ hoạ đều đẹp.
Tuy nhiên, màn hình này chỉ có độ sáng khoảng 400nits nên cũng hạn chế bớt phần nào khả năng sử dụng trong điều kiện ánh sáng mạnh. Mặt khác, với tần số quét chỉ 60Hz, đây có thể xem là một điểm trừ trong khả năng hiển thị khi mà tần số quét 120Hz đã rất phổ biến ở các sản phẩm cùng phân khúc. Thực ra với 1 mẫu máy Ultrabook ít hướng đến việc chơi game thì một mẫu màn hình 60Hz là quá đủ cho các tác vụ giải trí công việc, tuy nhiên xét về độ mượt mà thì màn hình này khó có thể so sánh với tần số quét cao hơn.
Về bàn phím thì các sản phẩm của Lenovo nói chung với tôi vẫn luôn là một trải nghiệm khá thích thú. Và Yoga Slim 7i cũng không ngoại lệ. Đặc biệt là khi Lenovo cho biết đã thay đổi lớp phủ trên bàn phím, cho cảm giác rất mịn màng, không rít tay nên khi chạm vào phím thấy rất “sướng”. Cùng với đó, hành trình phím vừa vặn, độ nảy tốt cũng luôn là những yếu tố khi tôi rất thích khi gõ trên bàn phím của Yoga Slim 7i.
Bên cạnh đó, bàn phím này cũng khá êm, không gây quá nhiều tiếng động nên càng thích hợp hơn cho các công việc văn phòng.
Máy cũng được trang bị khá đầy đủ các cổng kết nối bao gồm: HDMI, 2 cổng USB-C vừa là Thunderbolt 4 vừa hỗ trợ sạc ngược USB PD 3.1 và DisplayPort 1.4, 1 cổng USB-A tốc độ cao và jack âm thanh 3.5mm.
Một điểm khá thú vị là nút nguồn cùng với phím bật tắt camera lại được nằm cạnh hông của máy chứ không bố trí ngay trên bàn phím giống như nhiều mẫu máy thông thường. Tuy nhiên vì thiết kế này nên người dùng cùng cần chú ý khi cầm máy sẽ dễ bấm nhầm vào nút nguồn.
Bên cạnh đó, máy cũng được trang bị phần mềm Lenovo Vantage cho phép tinh chỉnh và quản lý, tối ưu hiệu năng một cách nhanh chóng dễ dàng, đáp ứng yêu cầu công việc, đem lại trải nghiệm thoải mái thuận tiện hơn.
Với mức giá 29.990.000 đồng cùng gói bảo hành cao cấp Premium Care 2 năm, Lenovo Yoga Slim 7i trở thành một lựa chọn hoàn hảo khi hội tụ đầy đủ các yếu tố làm nên thương hiệu doanh nhân từ thiết kế mỏng nhẹ cao cấp, cho đến hiệu năng đẳng cấp của Core Ultra 7 và 32GB RAM.
Nguồn: Genk.vn