Đánh giá Frostpunk 2: Nếu thích phần đầu, chắc chắn anh em sẽ không thể bỏ qua phần 2
Năm 1886, New London chống chịu được cơn bão tuyết khủng khiếp nhờ vào sự điều hành và mở rộng của “the Captain”, tức là chính anh em điều khiển mọi khía cạnh của sự vận hành của thành phố mới. Phần 2 lấy bối cảnh 30 năm sau thời điểm ấy. Người dẫn đầu thành phố New London từ trần, còn lò than khổng lồ ở chính giữa thành phố thì bắt đầu hỏng dần, và nguồn cung than đá xung quanh đó cũng đang dần cạn kiệt.
Trùng hợp thay, thời điểm những năm đầu thế kỷ XX cũng là thời điểm con người tìm ra nguồn nhiên liệu hoàn toàn mới, dầu mỏ. Bỗng nhiên, chúng ta có một giải pháp mới để New London vừa có thể tiếp tục tồn tại, lại vừa có thể tiếp tục phát triển, mở rộng và sinh tồn. Phần mở đầu của game sẽ chính là những bước hướng dẫn để anh em quen với kết cấu mới của trò chơi.
Với việc sử dụng dầu mỏ để sưởi ấm và làm nhiên liệu, toàn bộ kết cấu phát triển thành phố và mở rộng bản đồ của Frostpunk 2 cũng thay đổi theo. Có cảm giác những nhà làm game người Ba Lan của 11 bit Studios có lấy cảm hứng từ series Civilization, một series game chiến thuật khác cũng được rất nhiều anh em yêu mến.
Trước đây ở phần 1, bước đầu tiên là anh em sẽ phải mở rộng đường dẫn hơi nước và nguồn nhiệt để cấp năng lượng cho những khu vực mới, từ những khu dân cư, trường học, bệnh viện hay những khu công nghiệp khai thác than đá, nguyên liệu hay thực phẩm. Còn bây giờ, ở trung tâm của New London vẫn là lò đốt. Nhưng nhờ vào việc chuyển đổi từ than đá sang dầu mỏ, không còn cần xây dựng những con đường rồi xây dựng nhà cửa công trình xung quanh những cánh cung lấy lò đốt làm trung tâm như trước nữa.
Thay vào đó, anh em sẽ phải thực hiện một bước gọi là mở rộng quy mô thành phố, bằng cách phá tan lớp băng dày sau khi trái đất rơi vào một kỷ băng hà mới. Rồi từ đó, từng khoảng, từng tile mới để mở rộng bản đồ sẽ được mở khóa. Với những mảng đất như thế này, anh em sẽ dần dần tiếp cận được những tài nguyên như đất đai trồng trọt, những giếng dầu, những nơi dự trữ tài nguyên cách xa trung tâm thành phố.
Một nâng cấp khác đáng kể hơn và quan trọng hơn, giúp game đơn giản hóa về mặt quản lý, đổi lại là anh em sẽ có thêm thời gian suy nghĩ về những khía cạnh khác trong game. Đó là bây giờ chỉ còn vài dạng công trình chính: Nhà ở, trồng trọt, khai thác, vận chuyển và khám phá. Rồi trong số những dạng công trình như vậy, sẽ có những nâng cấp riêng, chẳng hạn như bệnh viện, trường học, đồn cảnh sát, hay thậm chí là nhà trọ cho những người làm việc ở những khu vực khai thác xa…
Cách triển khai mở rộng và phát triển thành phố như thế này sẽ giúp anh em không phải nghĩ quá nhiều về việc để dành không gian đất đai xung quanh lò đốt. Khu nào cần thêm thứ gì, chỉ việc click vào và mở rộng, xây dựng thêm những công trình mới là xong.
Cùng lúc, kết cấu hệ thống phát triển thành phố như thế này cũng giúp anh em kiểm soát tốt hơn những khu vực mới. Giờ những cuộc khai phá thám hiểm vùng đất mới không chỉ đơn thuần đem về tài nguyên hoặc những người dân mới cho New London nữa. Có lúc, anh em sẽ được xây dựng cả một căn cứ, một đô thị vệ tinh mở rộng để cung cấp và hỗ trợ cho thành phố chính.
Nhờ vào chính thay đổi lớn nhất về mặt bố cục phát triển thành phố như vậy, đầu óc của anh em sẽ có thêm nhiều khoảng trống và rảnh rang hơn để nghiên cứu những vấn đề mới phát sinh, thứ mà chẳng hề có trong Frostpunk phần một.
Đồng ý rằng, khả năng nghiên cứu khoa học để có được những công trình mới, những quy định mới và hướng đi mới để đảm bảo cho cả sức khỏe lẫn tinh thần cuộc sống hàng vạn người dân của New London vẫn còn đó. Nhưng giờ hai cơ chế ấy lại được kết hợp chung với một hệ thống hoàn toàn mới, đó là những phe phái trong thành phố.
Ba mươi năm sau khi New London hình thành và sống sót qua trận bão tuyết khổng lồ theo cốt truyện của phần 1, thành phố này giờ đã rất khác. Anh em vẫn sẽ phải đối mặt với việc làm thế nào để tất cả mọi người có cuộc sống ổn định, không bệnh tật, tội phạm, không làm tăng ca, không bắt trẻ em lao động, và đảm bảo đủ nguồn cung tài nguyên để nuôi sống hàng vạn người.
Nhưng bây giờ, thay vì chỉ đơn giản là một tiếng nói chung ủng hộ hoặc phản đối cách điều hành thành phố như những gì Captain phải đối mặt trong phần 1, ở phần 2, nhân vật Steward anh em điều khiển sẽ phải tìm ra cách làm yên lòng tất cả mọi phe. Vấn đề là như thế này, sau 3 thập kỷ tồn tại, bắt đầu chia ra những phe phái riêng trong nội bộ cư dân của New London, và thậm chí là họ còn yêu cầu thành lập ra cả “hội đồng nhân dân” để đưa ra tiếng nói cũng như yêu cầu của từng phe.
Trong trường hợp tồi tệ nhất, hội đồng này sẽ bỏ phiếu đẩy anh em ra khỏi cái ghế thị trưởng điều hành toàn bộ thành phố New London. Và trong bối cảnh hậu thảm họa, không phải cứ mất ghế là về làm dân thường. Kết cục có thể rất bi thảm.
Thành ra, bên cạnh việc mở rộng thành phố, đáp ứng những nhu cầu phúc lợi xã hội hay những yêu cầu cơ bản như sưởi ấm, thực phẩm và hàng hóa của người dân, anh em còn phải lắng nghe yêu cầu của những phe khác nhau đang sinh sống trong thành phố New London.
Có lúc, yêu cầu của họ cũng đơn giản và nghiễm nhiên, chẳng hạn như việc nghiên cứu nhà trẻ, trường học và bệnh viện, hay những công nghệ và kỹ thuật khai thác mới, tự động hóa để giúp người lao động bớt cực nhọc hơn chẳng hạn. Nhưng rồi cũng đến lúc, yêu cầu của các phe trong hội đồng đại diện cho người dân New London sẽ dần trở nên cực đoan hơn, chẳng hạn như việc nếu có dịch bệnh xảy ra, người bệnh sẽ được hỗ trợ cách ly rồi điều trị, hay sẽ bị biệt giam một cách vô cùng phi nhân đạo.
Để tiếp tục được ngồi trên chiếc ghế thị trường New London, anh em sẽ liên tục phải thông qua những điều luật mới, nghiên cứu những điều mới phục vụ cho lợi ích của những quá trình như khai thác, phúc lợi xã hội, quản lý thành phố hay bảo vệ trẻ em…
Vấn đề lại nằm ở chỗ, cứ mỗi lần lựa chọn một điều luật mới để áp dụng, luôn có ưu và nhược điểm. Có lúc nó giải quyết được nhu cầu của người dân một cách hoàn hảo, nhưng đổi lại, người dân sẽ rơi vào tình trạng “nhàn cư vi bất thiện”, dễ nảy sinh dịch bệnh và tội phạm. Rồi cũng có lúc, những gì một phe như Stalwart mong muốn lại quá tàn bạo và cứng nhắc, không giống như mong muốn của những phe còn lại.
Công việc của anh em sẽ là nhìn vào tỷ lệ người dân ủng hộ từng phe để đưa ra những quyết định vừa phù hợp để chiều lòng người dân, vừa hợp lý để mọi người không phản đối, tới cái mức bạo loạn trong thành phố. Và như trong tấm hình screenshot anh em thấy trên đây, rất dễ nhận ra một điều, quyền lực của người điều hành thành phố New London không còn tuyệt đối, ra luật nào dân phải làm theo như phần 1 nữa. Thay vào đó, chính cái hội đồng đại diện nhân dân trên đây sẽ bỏ phiếu để thông qua những luật lệ mới, cứ 51 phiếu thuận trở lên là thành công.
Vậy là, bỗng nhiên anh em từ việc xây dựng mở rộng thành phố, đảm bảo mọi người được ấm no, thì giờ anh em còn phải làm một chính trị gia đúng nghĩa đen. Để có đủ số phiếu bầu từ những phe phái, dựa theo tỷ lệ cư dân ủng hộ họ trong thành phố, anh em sẽ phải đưa ra rất nhiều hứa hẹn, từ việc nghiên cứu những công nghệ mới, cho tới việc thông qua những đạo luật mà họ muốn trong những phiên họp sau đó.
Và có một điều mình có thể đảm bảo với anh em, chính những xung đột giữa các phe phái này sẽ tạo ra cao trào cho game, thậm chí còn có khả năng gây ra nội chiến, bên cạnh những cơn bão tuyết khiến nhiệt độ tụt xuống tới âm 100 độ C, thứ anh em sợ hãi nhất khi phải đối mặt như ở phần game trước.
Phải thừa nhận, chỉ với sự hiện diện của hệ thống “hội đồng nhân dân” trong Frostpunk 2, câu chuyện sinh tồn của những con người sót lại bỗng nhiên trở nên tăm tối hơn. Cùng lúc, những lựa chọn mà anh em có thể đưa ra và quyết định trong mỗi màn chơi lại trở nên bớt rõ ràng, không hề phân định rõ ràng đen trắng đúng sai về mặt đạo đức như phần trước, khi tiếng nói của người dân chỉ là một khối thống nhất, dễ theo dõi và chiều lòng hơn nhiều. Bây giờ, mỗi phe phái lại có những giá trị đạo đức, lòng tin và ý kiến riêng.
Có phe nghĩ hoàn toàn về tương lai, coi máy móc và tự động hóa sẽ là thứ giúp New London tồn tại. Cũng có phe chỉ muốn tôn trọng và giữ nguyên những giá trị thủ cựu truyền thống, bất chấp thực tế ngang trái của New London đang phải đối mặt. Rồi thậm chí, như đã nói, có hẳn một phe không khác gì những tên phát xít với yêu cầu quản lý và theo dõi người dân cực kỳ nghiêm ngặt.
Nếu chỉ chiều lòng một hai phe đang tồn tại trong thành phố, những phe còn lại rất có khả năng trở thành những phe phái cực đoan. Bất ổn từ đó sẽ hình thành. Cân bằng những yêu cầu đó ra sao, có lẽ là thứ khó nhất trong trò chơi này, chứ không phải đảm bảo nguồn cung tài nguyên cho những người dân trong thành phố New London.
Và game biết điều đó. Chính giao diện game cũng đặt sự hiện diện của những phe phái tồn tại trong New London, cùng thước đo lòng tin của người dân vào anh em ở vị trí trung tâm, chứ không phải những menu xây dựng và nghiên cứu hoặc luật pháp như phần trước.
Tóm lại, Frostpunk 2 dựa trên nền tảng của phần 1, vốn đã vô cùng tuyệt vời, mô tả một chuyến hành trình sinh tồn của con người trong bối cảnh cuối thế kỷ XIX giả tưởng, với lớp phông nền trắng toát xám xịt và đầy tiêu cực, bi quan. Dựa vào góc nhìn đầy hoài nghi ấy, phần 2 mở rộng và thay đổi cả hai khía cạnh xây dựng thành phố với quản lý cư dân, để tạo ra những phép thử khó khăn hơn cho anh em trong quá trình làm thị trưởng của thành phố New London.
Chỉ cần mô tả ngắn gọn vậy thôi, có lẽ mình đã nói đủ để thuyết phục những anh em yêu thích Frostpunk phần 1 đến với phần 2. Và thậm chí, sau cốt truyện chính dài khoảng 15 đến 18 giờ đồng hồ, chế độ chơi tự do, mang tên Utopia Building, chắc chắn sẽ khiến vài anh em thức trắng đêm, vì nó vẫn cuốn hút và gây nghiện như phần 1.