Đánh giá CPU Ryzen 7 1800X – Cuộc chơi lớn của AMD
Ryzen 7 1800X là một trong các mẫu chip đầu tiên đại diện cho thế hệ CPU mới của AMD với kiến trúc hoàn toàn mới, cải thiện năng lực tính toán đến 52% so với thế hệ trước nhưng vẫn giữ mức năng lượng tiêu thụ tương đương. Bên cạnh đó, chip mới cũng được sản xuất theo công nghệ 14nm, hỗ trợ công nghệ đa luồng SMT (tương đương Hyper Threading của Intel) và bộ nhớ DDR4 có băng thông gấp đôi so với DDR3.
Ưu điểm
- Nền tảng AM4, hỗ trợ DDR4.
- Khả năng xử lý đa luồng tốt.
- Ép xung linh hoạt thông qua tiện ích Ryzen Master.
- Tỷ suất hiệu năng/giá hấp dẫn.
Khuyết điểm
- Không khai thác hết sức mạnh các nhân xử lý trong game.
- Thiết kế trình điều khiển (driver) chưa tối ưu.
Thiết kế, tính năng kỹ thuật
Ryzen 7 1800X nằm trong bộ ba sản phẩm mới được AMD chính thức công bố tại sự kiện Ryzen Tech Day vừa diễn ra ở San Francisco, Mỹ. Thiết kế sản phẩm hướng đến người dùng cần một hệ thống mạnh mẽ dùng trong công việc biên tập video kết xuất đồ họa phim ảnh và thậm chí đáp ứng được nhu cầu chơi game chuẩn 4K với đồ họa chất lượng cao.
Như chúng ta đã biết, Ryzen 7 1800X dựa trên kiến trúc Zen và AMD đã dồn toàn lực cho kiến trúc hoàn toàn mới này đưa ra nhằm thay thế Excavator. Đây được xem là con bài có tính quyết định sự thành bại của hãng trong thời gian tới vì theo kế hoạch, Zen sẽ phục vụ cho cả nền tảng để bàn lẫn di động, từ phân khúc cao cấp cho tới tầm trung và phổ thông.
Bên cạnh đó, AMD cũng kết hợp cùng các hãng phần cứng để đưa ra thế hệ bo mạch chủ mới chipset AM4 với 5 nhóm sản phẩm khác nhau, gồm X370 và X300 thuộc dòng cao cấp, B350 dòng phổ thông, A320 và A300 thuộc cơ bản. Trong đó X300 và A300 được sản xuất dưới dạng mini-ITX dành riêng cho các máy tính cỡ nhỏ SFF (small form factor).
Điểm cần lưu ý là chip Ryzen sẽ không có tính tương thích ngược với các bo mạch chủ cũ socket AM3+ và FM2+. Điều này cũng hoàn toàn bình thường vì không chỉ áp dụng công nghệ sản xuất 14nm, kiến trúc Zen mới còn sử dụng thiết kế dạng monolithic (tạm dịch nguyên khối). Mỗi nhân xử lý của Zen sẽ có riêng bộ đệm thứ cấp (cache L2) dung lượng 512KB, trái ngược với kiến trúc Excavator có thiết kế dạng module và chia sẻ chung. Điều này sẽ giúp cải thiện độ trễ băng thông bộ đệm, hứa hẹn cải thiện đến 52% khả năng xử lý lệnh trên mỗi xung nhịp.
Ngoài ra, một số cải tiến đáng giá nữa của Ryzen là hỗ trợ 4 kênh bộ nhớ DDR4 với băng thông gấp đôi so với DDR3, bổ sung các tuyến PCI Express 3.0 và tối ưu công nghệ đa luồng SMT (simultaneous multithreading) nhằm tăng khả năng xử lý nhiều chỉ lệnh đồng thời trên mỗi nhân. Tương tự HT (hyper threading) của Intel thì công nghệ AMD SMT cũng giúp hệ điều hành và ứng dụng nhận biết được số nhân xử lý luận lý (logic) và tài nguyên vật lý được phân bổ, cho phép thực thi các chỉ lệnh song song và từ đó, cải thiện đáng kể tốc độ xử lý trong các ứng dụng đòi hỏi năng lực tính toán cao như phần mềm thiết kế 3D, xử lý ảnh hay video.
Cấu hình thử nghiệm
Để tiện tham khảo, mình sẽ thử nghiệm Ryzen 7 1800X trên nền bo mạch chủ MSI X370 XPower Gaming Titanium, đồ họa rời Asus Radeon RX460, RAM Corsair Vengeance LPX DDR4 kit 16GB bus 3.000 MHz, SSD Corsair Force GS 240GB, nguồn EVGA 850W, hệ điều hành Windows 10 x64 bản Pro cùng trình điều khiển Radeon Crimson Edition 17.15.
Ngoài những công cụ quy chuẩn đánh giá tổng thể hiệu năng PCMark 8, 3DMark và CineBench R15, mình cũng sử dụng một số phép thử chi tiết sức mạnh tính toán của CPU và GPU cùng khả năng chiến game ở độ phân giải Full HD (1080p). Quá trình thử nghiệm, hệ thống chạy với thông số thiết lập mặc định của nhà sản xuất và kết quả các phép thử chỉ được ghi nhận sau ba lần test.
Để các bạn dễ tham khảo, trong bài viết mình sẽ so sánh một vài điểm số đạt được của Ryzen 7 1800X với mẫu APU mạnh nhất hiện nay của AMD là A10-7890K. Mục đích của việc này để thấy được sự thay đổi hiệu quả của kiến trúc Zen công nghệ 14nm so với kiến trúc cũ Excavator 28nm.
Đánh giá hiệu năng
Với sức mạnh của 8 nhân vật lý chạy ở mức xung 3,6 GHz đồng thời hỗ trợ công nghệ SMT, Ryzen 7 1800X nhẹ nhàng “bay” qua các phép thử và để lại những điểm số ấn tượng. Chẳng hạn trong công cụ Cinebench R15 kiểm tra khả năng dựng hình 3D, chip 1800X đạt 156 điểm trong phép thử đơn nhân, 1.564 điểm trong phép thử đa nhân và tốc độ dựng hình bằng thư viện OpenGL đạt 118,35 (fps). Với Geekbench 3, 1800X đạt 4.261 điểm trong phép đo hiệu năng đơn nhân và 30.184 điểm hiệu năng đa nhân.
Với Cinebench thì kết quả trên (156 điểm) là thấp vì chỉ tương đương mẫu R7 1700. Mình đã cập nhật BIOS, driver mới nhất từ AMD, thử nghiệm lại nhiều lần nhưng vẫn vậy. Vì CPU chưa tận dụng được hai công nghệ quan trọng là XFR (eXtended Frequency Range) và Precision Boost nên đành chịu. Đây chỉ là tạm thời vì trong thời gian tới, chắc chắn BIOS bo mạch chủ và driver AMD sẽ tối ưu, khai thác tốt hơn sức mạnh vốn có của bộ xử lý.
Cũng cần nói thêm là mình có thể đẩy xung nhịp CPU lên mức 4.0 GHz một cách thủ công thay cho Precision Boost (xem phần ép xung bên dưới) để tăng điểm số. Tuy nhiên nguyên tắc cơ bản của việc đánh giá sản phẩm là tôn trọng và chấp nhận sự thật đối với sản phẩm.
So với mẫu APU A10-7890K thì sức mạnh tính toán trên mỗi nhân của 1800X tăng từ 162% – 165% tương ứng với mỗi phép thử trên. Điều này cũng thể hiện rõ mục tiêu chính của kiến trúc Zen là tăng hiệu suất trên mỗi nhân đơn. Từ đó nâng cao hiệu năng tính toán nhưng vẫn giữ được mức tiêu thụ năng lượng thấp.
Trở lại công cụ benchmark quy chuẩn PCMark 8, cấu hình thử nghiệm đạt 4.494 điểm trong phép thử Home và 6.001 điểm trong phép thử Creative. Với 3DMark Fire Strike đạt 5011.581 điểm tổng thể, trong đó CPU đạt 18.772 điểm và riêng đồ họa RX460 đạt 5.392 điểm.
Với bộ công cụ SPECviewperf 12 mô phỏng khả năng dựng, hiển thị các mô hình thiết kế tương tự cách thức hoạt động của một số phần mềm trong lĩnh vực thiết kế đồ họa, dựng hình. Cấu hình thử nghiệm cũng đạt kết quả cao với tốc độ xử lý khung hình mỗi giây (fps) trong hầu hết phép thử cao hơn mức 30 fps. Chẳng hạn Autodesk Maya đạt 39,76 fps, PTC Creo đạt 40,89 fps và riêng phần mềm thiết kế cơ khí SolidWorks đạt 32,5 fps.
Ở khía cạnh game thủ. Do chỉ có sẵn mẫu card Asus RX 460 bản 2GB GDDR5 nên kết quả game cũng có phần hạn chế so với bản 4GB. Tuy nhiên nó chỉ xảy ra trong một số trường hợp cần bộ nhớ nhiều hơn so với thông thường, chẳng hạn trong các phép thử đồ họa nặng hoặc thiết lập hiệu ứng đồ họa, khử răng cưa hình ảnh trong game lên mức cao nhất.
Với các game Tinhte vẫn dùng theo kịch bản ở độ phân giải Full HD, tốc độ khung hình cũng có sự chênh lệch đáng kể giữa hai mức chất lượng đồ họa tiêu chuẩn và cao nhất. Cụ thể với Rise of the Tomb Raider, phiên bản hỗ trợ DirectX 12 và được làm lại từ bản game cùng tên ra mắt người dùng vào năm 2013. Cấu hình thử nghiệm đạt 47,77 fps và giảm còn 31,45 fps khi đẩy chất lượng đồ họa lên mức cao nhất.
Với Ashes of the Singularity thuộc thể loại game chiến thuật vĩ mô và cũng là một trong những tựa game đầu tiên hỗ trợ đồ họa DirectX 12, đồ họa RX 460 tỏ ra “khá đuối” khi kết quả cao nhất chỉ đạt 24,8 fps và thấp nhất 14,9 fps.
Trong khi đó Batman: Arkham Knight, dù sử dụng engine đồ họa Unreal 3 cũ kĩ nhưng vẫn là tựa game có chất lượng đồ họa đẹp và không hề thua kém những tựa game mới khác. Cấu hình thử nghiệm đạt trung bình 48 fps và giảm còn 41 fps với thiết lập đồ họa High.
Tất nhiên những con số trên chỉ mang tính tham khảo vì trên thực tế, Ryzen R7 1800X được xem là “cặp bài trùng” với mẫu card Vega 10 mà dự kiến hãng sẽ chính thức ra mắt người dùng tại sự kiện Computex 2017 vào cuối tháng Năm tới. Trong thời gian này, bạn có thể chờ hoặc chọn cấu hình đồ họa tối thiểu Radeon RX 480, GeForce GTX 1070 để chơi mượt tất cả game offline ở độ phân giải QHD vẫn vượt con số 60 fps với chất lượng đồ họa ở mức High.
Nhiệt độ, điện năng tiêu thụ
Đánh giá khả năng tản nhiệt và công suất tiêu thụ cấu hình thử nghiệm (không bao gồm màn hình và CPU chạy ở xung nhịp mặc định) qua phép thử đồ họa 3DMark, nhiệt độ và công suất hệ thống ghi nhận qua phần mềm GPU-z và Logger Lite trong môi trường khoảng 22 độ C.
Ở chế độ không tải, nhiệt độ chip dao động ở 54,8 độ C và mức công suất tiêu thụ của cấu hình thử nghiệm chỉ 65W (tính theo trị số trung bình); so với mẫu APU A10-7890K là 46 độ C và công suất tương ứng 49,5W. Trong phép thử đồ họa 3DMark, nhiệt độ 1800X dao động ở mức 70,8 độ C, thấp hơn đến 4 độ C so với A10-7890K trong khi có mức tiêu thụ điện năng cao nhất là 180,1W (tính theo trị số cao nhất).
Kiểm tra khả năng chịu tải (stresstest) của CPU lẫn card đồ họa trong 4 giờ liên tục qua tiện ích MSI Kombustor cho thấy hệ thống vẫn hoạt động ổn định. Bộ tản nhiệt Noctua NH-U12S đã thể hiện được tính hiệu quả khi giữ nhiệt độ CPU dao động ở 73 độ C mà vẫn không gây ồn, công suất tiêu thụ cực đại của cấu hình thử nghiệm là 225,9W.
Khả năng ép xung
Tương tự 2 mẫu chip R7 1700X và 1700 thì những thay đổi trong kiến trúc thiết kế đã giúp R7 1800X có khả năng ép xung tốt hơn. Bên cạnh xung nhịp mặc định 3,6 GHz, mình thử đẩy cả 6 nhân của chip lên mức 4,0 GHz mà vẫn đảm bảo sự ổn định cần thiết để sử dụng lâu dài. Cụ thể R7 1800X đã hoàn tất phép thử GPUPI và cả Cinebench R15 ở phép thử đơn lẫn đa nhân với điểm số cao hơn đáng kể.
Trong giới hạn bài viết, mình chỉ dừng ở mức trải nghiệm do không đủ kinh nghiệm, điều kiện thử nghiệm và công cụ hỗ trợ. Về phần này, các bạn có thể chia sẻ giúp mình để bài viết hấp dẫn hơn.
Tổng quan sản phẩm
Ryzen 7 1800X là một trong các mẫu chip đầu tiên đại diện cho thế hệ CPU mới của AMD với kiến trúc hoàn toàn mới. Nó hội đủ các yếu tố về công nghệ, tính năng đặc trưng, khả năng ép xung linh hoạt và nhất là lợi thế cạnh tranh khi so sánh tỷ lệ giữa hiệu năng và giá.
Tại Việt Nam, Ryzen 7 1800X dự kiến được bán với giá 15 triệu đồng và cũng được xem là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với mẫu chip Intel Core i7-6900K, giá 26,4 triệu đồng. Có thể nhận thấy, dù hiệu năng chip AMD kém đôi chút nhưng xét ở khía cạnh giá lại có sức hấp dẫn lớn hơn đáng kể. Điều này sẽ tạo áp lực để Intel phải cân nhắc lại chiến lược về giá sản phẩm. Và không ai khác chính bạn sẽ là người được hưởng lợi khi hai ông lớn trong ngành công nghiệp bán dẫn bước vào cuộc chiến trong thời gian tới.
Nguồn: Tinh Tế
Từ khóa: danh gia, Ryzen 7 1800X, ryzen, cpu, AMD, tin tuc