Có gì mới trên CPU Intel thế hệ 10?
Intel đã đủ sức thách thức dòng Ryzen 3000 của AMD với việc ra mắt những bộ xử lý desktop thế hệ 10. Với cái tên Comet Lake-S, những CPU này mang đến hàng loạt cải tiến cùng một vài tính năng mới.
Hôm 30/04, Intel đã ra mắt những con chip desktop Comet Lake mới, sau khi công bố các vi xử lý di động cho laptop và PC dạng nhỏ khác vào hồi đầu tháng trước. Thông tin về những con chip laptop hiện rất ít. Tuy nhiên, Intel cho biết hơn 100 chiếc laptop đi kèm những bộ xử lý thế hệ 10 dự kiến sẽ được ra mắt trong năm nay. Đối với các CPU desktop, chúng đã được lên kệ vào đầu tháng nay.
Nhiều nhân hơn
Các CPU Comet Lake sở hữu nhiều nhân hơn. Core i9-10900K là con chip mạnh mẽ nhất trong thế hệ này với 10 nhân và 20 luồng. Những nhân CPU này sẽ xử lý các tập lệnh từ hệ thống và giúp cho chiếc PC của bạn hoạt động trơn tru hơn. Càng nhiều nhân, hệ thống càng có thể xử lý đồng thời nhiều tập lệnh hơn. Toàn bộ hệ thống cũng sẽ hoạt động tốt hơn.
Một nhược điểm là những nhà phát triển phần mềm chưa thể tận dụng hết mọi lợi thế tuyệt vời từ các nhân đó. Lý do là bởi nhiều nhà phát triển nghĩ rằng họ không thực sự cần đến sức mạnh đó, hoặc phần mềm của họ không được tối ưu cho những cỗ máy nhiều nhân.
Tuy nhiên, nếu công việc của bạn liên quan đến những tác vụ chuyên sâu, như chỉnh sửa hình ảnh hoặc video hay game, thì tất cả các nhân đó có thể giúp ích.
Công nghệ siêu phân luồng Hyper-Threading xuất hiện trên gần như tất cả chip Comet Lake
Hyper-Threading là tên một công nghệ của Intel, có thể chia một nhân vật lý thành 2 nhân ảo. Ở cấp độ hệ điều hành, bạn sẽ có 2 nhân xử lý với mức giá của một nhân. Điều này đồng nghĩa rằng cỗ máy của bạn có thể xử lý các tập lệnh nhanh hơn. Trong quá khứ, Intel chỉ đưa công nghệ Hyper-Thearding này lên desktop và giới hạn nó trên Core i7 và Core i9.
Tuy nhiên, đối với Comet Lake, Hyper-Thearding xuất hiện trên cả phân khúc Core i3 và Pentium. Cụ thể hơn, với Comet Lake-S, Core i3 sẽ có 4 nhân 8 luồng, Core i5 sẽ có 6 nhân 12 luồng, Core i7 sẽ là 8 nhân 16 luồng, và 10 nhân 20 luồng đối với Core i9.
Lợi ích từ công nghệ Hyper-Threading là rất lớn và nó có thể mang đến sức mạnh to lớn cho những CPU tầm thấp. Thậm chí, khi so sánh về các thông số kỹ thuật lý thuyết, con chip Core i3-10100 có sức mạnh ngang ngửa Core i7-7700.
Bo mạch chủ mới
Các nhà sản xuất CPU thường cố gắng làm cho CPU tương thích ngược với những bo mạch chủ cũ hơn trong một vài thế hệ, nhưng điều đó không tồn tại mãi mãi. Thông thường, các bộ xử lý mới sẽ yêu cầu một socket CPU khác, dẫn đến việc sinh ra những bo mạch chủ mới. Và Intel Comet Lake cũng yêu cầu điều đó.
Comet Lake-S sử dụng socket LGA1200 mới. Các bo mạch chủ mới dành cho thế hệ này bao gồm chipset Z490, B460, H470 và H410.
Cải thiện độ hiệu quả về tản nhiệt
Vấn đề lớn nhất mà bất kỳ hệ thống máy tính nào cũng cần phải giải quyết đó chính là cách làm mát. Khi các linh kiện trở nên quá nóng, cơ chế an toàn của chúng sẽ bắt đầu hoạt động, đồng nghĩa rằng hiệu năng sẽ bị giảm đi. Nói cách khác, chúng sẽ chậm đi để tránh những hư hỏng vật lý. Tiếp theo là để những linh kiện này truyền nhiệt đi một cách hiệu quả nhất bằng quạt hoặc các thiết bị làm mát bằng chất lỏng. Điều này có thể giảm bớt nhiệt trướt khi vấn đề đi quá xa.
Những CPU thế hệ 10 mới của Intel có khả truyền nhiệt tốt hơn. Intel đã thực hiện một số điều chỉnh bên trong để tăng kích thước bộ tản nhiệt tích hợp (Integrated Heat Spreader – IHS). IHS là bộ phận truyền nhiệt ra khỏi CPU. Kích thước lớn hơn sẽ đảm bảo việc tách nhiệt ra các bộ phận của CPU hiệu quả hơn và mang lại hiệu năng tốt hơn.
Tắt các luồng để giảm nhiệt
Như đã đề cập ở trên, ưu điểm của công nghệ Hyper-Threading của Intel là cho phép CPU hoạt động nhanh hơn. Như thường lệ với phần cứng PC, hiệu năng mạnh mẽ hơn sẽ đi kèm với việc nhiệt tỏa ra cao hơn.
Với Comet Lake, Intel cho phép tắt Hyper-Threading trên cơ sở từng lõi. Do đó, thay vì 1 nhân hoạt động như 2, giờ đây chỉ có thể như 1. Với ít nhân hoạt động hơn, CPU sẽ tạo ra ít nhiệt hơn. Với lượng nhiệt thấp hơn, các nhân đang hoạt động có thể làm việc ở mức độ cao hơn trong thời gian dài hơn.
Chưa rõ tính năng này sẽ hoạt động trong thực tế như thế nào. Tuy nhiên, có vẻ như tính năng tắt Hyper-Threading sẽ yêu cầu việc truy cập vào BIOS bo mạch chủ thay vì một nút đơn giản trong Windows 10.
Tản nhiệt đi kèm tốt hơn
Rõ ràng là một điều tốt khi Intel đã làm tất cả những gì để khiến việc truyền nhiệt hiệu quả hơn, bởi một số CPU này thực sự rất nóng. Các bộ xử lý Comet Lake hàng đầu – Core i9-10900K, Core i7-10700K và Core i5-10600K – có thể tạo ra một lượng nhiệt cực lớn, lên đến 125 watt (W) khi hoạt động với những tác vụ cực nặng. Phép đo này được gọi là công suất thiết kế nhiệt hay công suất thoát nhiệt tối đa, viết tắt là TDP.
Tất cả những thứ này đồng nghĩa rằng PC cần đến một bộ tản nhiệt tốt hơn để đảm bảo những con quái thú Comet Lake cao cấp hơn không bị quá nhiệt.
Vượt ngưỡng 5.0GHz
Tốc độ CPU thường được đo ở mức gigahertz (GHz). Nói chung, tốc độ xung nhịp càng cao, CPU hoạt động càng mạnh mẽ.
Những CPU tiêu dùng thường khó có thể vượt ngưỡng 5GHz, nhưng Intel đã tìm ra cách giải quyết cho vấn đề này. Những CPU Comet Lake sử dụng một công nghệ mới có tên là Thermal Velocity Boost (TVB). Nó sẽ đẩy một nhân lên đến xung nhịp 5,3GHz khi nhiệt độ của bộ xử lý chưa đạt mức 70 độ C. Đơn nhân có thể tốt cho việc hoạt động ở mức độ cao trong thời gian ngắn, giúp ích rất nhiều cho gaming cùng các ứng dụng đòi hỏi khắt khe khác.
Các CPU desktop Core i9 Comet Lake cũng sẽ đi kèm với một tính năng có tên là Turbo Boost 3.0 Max. Nó sẽ chỉ được áp dụng cho 2 nhân hiệu năng cao (không phải tất cả các nhân đều có sức mạnh như nhau) trên bộ xử lý và tăng tốc độ của chúng lên cao hơn một chút cho một số mục đích sử dụng cụ thể, chẳng hạn như chơi game.
Ép xung PCIe, nhưng không hỗ trợ PCIe 4.0
Một số bo mạch chủ Comet Lake có khả năng ép xung các làn PCIe để tăng thêm hiệu năng cho các linh kiện khác, chẳng hạn như card đồ họa. Khả năng này sẽ thay đổi tùy theo bo mạch cho, vì nó phụ thuộc vào nhà sản xuất có biến tính năng này thành hiện thực hay không. Tinh năng này dành cho những người yêu thích việc ép xung.
Một số CPU Intel mới không tương thích với PCIe 4.0 và vẫn gắn bó với phiên bản PCIe 3.0. PCIe 4.0 giúp các linh kiện như card đồ họa và ổ cứng lưu trữ có thể đạt tốc độ gấp đôi so với hiện tại. Tuy nhiên, tất cả các linh kiện – từ card đồ họa cho đến bo mạch chủ và bộ xử lý – nên hỗ trợ PCIe 4.0 mới nhất.
AMD đã hỗ trợ PCIe 4.0 cho những bộ xử lý Ryzen 3000 và bo mạch chủ X570 của mình, nhưng Intel lại lựa chọn không đi theo lối đó.
Nguồn: VN Review
Từ khóa: ryzen, cpu, AMD, intel, intel 10th, comet lake