ASUS TUF Gaming F15 2023 thời chuyển giao giữa truyền thống và AI

Mình nhận một nhiệm vụ là giúp đứa cháu trai năm 1 đại học sư phạm mua một chiếc laptop mới. Yêu cầu của em ấy đặt ra chính là máy để “học tốt” các môn AAA bên cạnh các môn học bình thường khác, ngoại hình không quá hầm hố và có độ ổn định lâu dài trong quá trình sử dụng. Chiếc máy mà em ấy muốn mình thử cho ý kiến là TUF Gaming F15 của ASUS. Câu trả lời của mình là nó thích hợp với các yêu cầu đặt ra, chỉ còn lấn cấn là thuyết phục mẹ của em ấy cho tiền mua mà thôi.

Trên thực tế, bài toán cuối cùng mình nghĩ cũng không quá khó ở thời điểm hiện tại để có thêm lý do khiến mẹ em ấy mở hầu bao. Nếu như trước đây, các máy cấu hình cao ở CPU và GPU thường khiến người ta nghĩ tới việc chơi game hoặc các tác vụ làm việc, học tập khá đặc thù như dựng hình 3D, kiến trúc, thiết kế công nghiệp,… Tuy nhiên với sự phát triển mạnh của các ứng dụng có sử dụng trí thông minh nhân tạo một cách rất cụ thể như hiện tại, việc muốn sử dụng các tiện ích này cũng cần phải có sức mạnh phần cứng đủ để đáp ứng và chạy nó.

Thấy vấn đề AI và cả chiếc máy này cũng khá thú vị, mình xin chia sẻ với anh em trong bài viết này.

Trải-nghiệm-laptop-Asus-TUF-F15-2023-11.jpg

Như đã nói lúc đầu, có thể GPU thường khiến người ta dễ liên tưởng tới việc chơi game. Hơn 20 năm qua, những chiếc GPU mạnh luôn gắn liền với hình ảnh các tựa game AAA, đồ họa đẹp, tốc độ khung hình cao. Tất nhiên, điều đó vẫn hoàn toàn đúng ở thời điểm hiện tại. Đơn cử như nhìn vào một cấu hình laptop nói riêng hay PC nói chung với GPU 40 series, chúng ta hoàn toàn có thể chạy mượt các game AAA hiện tại với các cài đặt đồ họa cao ở độ phân giải 2K một cách thoải mái.

Đơn cử như con RTX 4070 của chiếc TUF F15 trong thí dụ này, với TGP 140W (chính xác là 115W + 25W Dynamic Boost), cung cấp sức mạnh phần cứng đã đủ để chạy game thoải mái. Thêm vào đó, Nvidia còn có DLSS 3 để các tựa game “nặng” như Cyberpunk 2077, GTA 5, Ghost of Tsushima,… hầu như không thể làm khó GPU này. Và thậm chí, những game AAA khác sẽ ra mắt trong tương lai, bao gồm cả GTA mới thì mình tin rằng 4070 vẫn đáp ứng được.

Trải-nghiệm-laptop-Asus-TUF-F15-2023-01.jpg

Bên cạnh đó, GPU còn đảm bảo các tác vụ như thiết kế, render hình ảnh trong các phần mềm dựng hình 3D, kiến trúc hay thiết kế. Các tác vụ xử lý nội dung video bằng các phần mềm của Adobe, Davinci,… cũng sẽ cần tới GPU để tăng tốc xử lý render hình ảnh. Trước đây, các bạn nghiên cứu mảng khoa học dữ liệu cũng đã xuất hiện nhu cầu lớn trong việc sử dụng sức mạnh tính toán của các GPU.

Tuy nhiên ở thời điểm năm 2024 này, các ứng dụng trí thông minh nhân tạo đã đến rất gần với người dùng. Ngày càng nhiều ứng dụng dành cho end user, chạy bằng phần cứng ngay dưới local của máy đã xuất hiện và chứng minh tính ứng dụng thực tế của nó chứ không còn là một cái gì đó quá cao siêu như 2-3 năm trước. Đơn cử một ứng dụng là ChatRTX của Nvidia phát hành vài tháng trước đây.

Qua phiên bản demo 0.3 hiện tại, ChatRTX cho thấy khả năng trở thành một trợ lý ảo của riêng mỗi người, hoạt động ngay dưới local, không cần mạng. Người dùng chỉ cần tải về cài đặt, sau đó bỏ toàn bộ các file tài liệu vào một thư mục, sau đó cho ChatRTX chạy embedding các data từ những tài liệu đó trong vài phút, là chúng ta đã có một trợ lý đã được “huấn luyện” bằng chính những kiến thức mà chúng ta muốn, từ đó khai thác những nội dung đó bằng prompt ngay dưới local.

Screenshot 2024-06-16 152915.png

Giải pháp này vừa tăng tính bảo mật và quyền riêng tư cho tài liệu của chúng ta, vừa cá nhân hóa được “kiến thức” của AI chatbot, vừa tránh được một số các nhược điểm hiện tại của AI chatbot cộng đồng như Hallucianation,… Và để tận dụng được chuyện này, chùng ta sẽ cần tới sức mạnh của các nhân CUDA và Tensor cho các hoạt động embedding dữ liệu đầu vào trên máy,… Và cần nhớ, ChatRTX vẫn chỉ là một trong số rất nhiều những ứng dụng thực tế của các ứng dụng AI đã đến tay người dùng và hiện đang được xài rất nhiều.

Chúng ta còn các ứng dụng như LLM Studio cho phép xài rất nhiều model AI được pretrain sẵn ngay trên máy tính, rồi Stable Diffusion tạo ảnh cho nhu cầu cá nhân lẫn thương mại, rồi cả các ứng dụng beta hiện tại để cùng chơi game, tương tác như người thật với nhân vật trong game, rồi trợ lý AI chạy ngay trên máy đúng nghĩa, ứng dụng Nvidia Ace một bản sao kỹ thuật số ngay trên máy cho những nhu cầu đặc biệt,… tất cả sẽ sớm đến tay người dùng trong ít tháng tới cho các nhu cầu sử dụng AI.

Bởi thế ngay thời điểm hiện tại, nếu có ý định tiếp cận máy tính theo giác độ dùng phần cứng ngay trên máy để sử dụng các ứng dụng AI, tận dụng khả năng của mô hình ngôn ngữ lớn LLM, việc cần có GPU là điều cần thiết. Nếu anh em nào muốn nghịch xa hơn nữa trong khoa học, phân tích dữ liệu, nghiên cứu phát triển các công cụ AI để xử lý những công việc của ngành khác tự động qua AI Agents, thì chắc chắn hoặc cần GPU (hoặc trên máy, hoặc trên mây, 2 lựa chọn thôi).


Tiếp cận một chiếc laptop ở góc nhìn “truyền thống”, mình thích ngoại hình và tổng thể của máy hơi trầm tính một chút, không quá đèn đuốc RGB hay “siêu nhân” ở bên ngoài. Thiết kế này giúp chúng ta ít nổi bật hơn, ít bị để ý và bị dán mác là “chỉ biết chơi game” khi xuất hiện ở những nơi công cộng như trường học, văn phòng hay quán cà phê. Khoảng 3 năm trở lại đây, các nhà sản xuất bắt đầu tạo ra những chiếc máy gaming thỏa mãn được điều này và mình cho rằng TUF F15 là một chiếc máy như thế.

Trải-nghiệm-laptop-Asus-TUF-F15-2023-18.jpg

Chúng ta vẫn có một chiếc laptop vỏ hợp kim, thiết kế vuông vức, đủ mạnh mẽ nam tính nhưng cũng không quá nổi bật. Mặt lưng chỉ logo TUF, ai hiểu thì hiểu, đơn giản vậy thôi. Năm ngoái @Pnghuy xài thử chiếc máy này chứ mình chưa được dùng. Năm nay dùng nhiều thì thích phần bảng lề của máy được làm rất cứng cáp, chúng ta có thể mở máy ra bằng một ngón tay và sau khi mở ra, màn hình nằm cố định ở một vị trí, không chuyển động nữa.

Trải-nghiệm-laptop-Asus-TUF-F15-2023-39.jpg

Chỉ khi đi vào bên trong, nghĩa là nhìn máy từ góc nhìn người dùng chúng ta mới bắt gặp đèn RGB từ bàn phím full của máy. Các phím bấm được làm dạng bán trong suốt ở phần thân phím, vì vậy nên đèn được đánh ra ở từng phím và tỏa ra xung quanh. Bàn phím có phím số cho anh em nào có nhu cầu nhập liệu hoặc quen hơn với việc bấm số bằng cụm phím này. Bàn phím sẽ mất đầu đó khoảng 30 phút để mình làm quen với layout và sau đó là đã có thể gõ ở trạng thái bình thường của mình.

Trải-nghiệm-laptop-Asus-TUF-F15-2023-19.jpg

Chúng ta vẫn có thiết kế 4 khe thoát gió ở hệ thống tản nhiệt, 2 khe ở phía sau và 2 khe ở 2 cạnh trái và phải. nhiệt sẽ dược 5 ống đồng bên trong mang ra nội thất và luồng khí nóng sẽ được 2 quạt mà ASUS họ gọi là Arc Flow với 84 cánh đẩy thẳng ra bên ngoài. Mình dùng thử trong văn phòng lúc chơi game thì bị người đối diện phàn nàn khá nhiều về hơi nóng thổi mạnh ra ngoài. Lúc này đành xin phép thông cảm do bàn làm việc ngắn quá nhưng ở góc độ người dùng, mình coi đây như thí dụ cho sự hiệu quả của hệ thống tản nhiệt.😄

Về cấu hình thì bên cạnh RTX 4070, chúng ta sẽ có CPU Intel Core i7-13620H, có thể xếp ngang phân khúc với Intel Core Ultra 7 (nhưng con này là cho nhu cầu khác, một hướng tiếp cận khác đối với việc dùng latop), bảng mình cầm thì có 16GB RAM và ổ SSD 512GB. Về màn hình, TUF F15 có màn hình FHD 15.6 144Hz, độ phủ 100% không gian màu sRGB, hỗ trợ Nvidia G-sync. Tương tự như một số laptop khác, TUF F15 cũng đạt chuẩn độ bền quân độ MIL-STD 810H.

Trải-nghiệm-laptop-Asus-TUF-F15-2023-02.jpg

Điểm cuối cùng, toàn bộ cấu hình và phần cứng của chiếc máy này có giá là 38,9 triệu. So với phiên bản năm ngoái thì ASUS định giá rẻ hơn 1 triệu. Tuy nhiên đây chỉ là giá đề xuất, ở một số nhà phân phối họ có chương trình gì đó mình không rõ nhưng thấy giá được giảm xuống khá sâu so với giá đề xuất. Đơn cử như bản năm ngoái có chỗ bán chỉ còn đâu đó cỡ 32-35 triệu, thực ra là một mức giá khá hợp lý cho tổng thể những gì mà chiếc laptop này mang lại.

Và trên đây là những gì mà mình đã nói với lại đứa cháu trai cũng như người chị của mình. Cơ bản, mình luôn tôn trọng nhu cầu học các bộ môn như Nguyên lý GTA5, LMHT căn bản hay các “Giáo trình AAA” nói chung. Trước đây, mình sẵn sàng thuyết phục các bậc phụ huynh mà mình quen sẵn sàng mua máy tính có cấu hình game cho con của họ, dơn giản vì mình cũng từng ước mơ những chiếc máy có cấu hình cao thời sinh viên, cũng từng chiến game với bạn bè và cân bằng nó với việc học bài và những việc khác.

Ở thời điểm hiện tại, những lý do còn được rõ ràng hơn nữa cho một chiếc máy “gaming” này bởi các tiện ích cụ thể mà công nghệ trí thông minh nhân tạo mang lại cho người dùng trong thời gian tới.
Nguồn: Tinhte.vn