Trải nghiệm Acer Predator Helios Neo 16 2024
Hiệu năng và tản nhiệt tiếp tục là điểm sáng
Nhiệt độ hay nói đúng hơn là hệ thống tản nhiệt của Helios Neo 16 hoạt động rất tốt, xung nhịp CPU và GPU cao vót nhưng nhiệt độ lại không ảnh hưởng đến hiệu năng hay trải nghiệm sử dụng chung của người dùng, dù cho CPU có lúc lên đến 90-95 độ C. Core i9-14900HX Raptor Lake-Refresh với mức xung đơn nhân lên đến 5.6GHz, ăn đến 160W điện thì chuyện nó nóng là chuyện dễ hiểu. Nếu hoạt động ổn định trong thời gian dài thì Core i9-4900HX sẽ tiêu tốn khoảng 110W điện và nhiệt độ thì chỉ loanh quanh 80-83 độ C mà thôi. Còn GPU thì Helios Neo 16 kiểm soát tốt dù nó cũng “ăn” đâu đó 150W
Predator Helios Neo 16 cũng được thừa hưởng hai công nghệ tản nhiệt của dòng laptop gaming cao cấp của Acer là Vortex Flow cũng như keo tản nhiệt kim loại lỏng, nhờ vậy mà phần bề mặt C của máy không quá nóng ảnh hưởng đến trải nghiệm chơi game của chúng ta.Các tựa game mình thử nghiệm với cấu hình hay các bài benchmark đều được Helios Neo 16 cân đẹp, hay nói cách khác là nó có thể chơi được các tựa game AAA với độ phân giải native (QHD+) một cách mượt mà.
Tuy vậy mặt trái của việc hệ thống tản nhiệt làm việc tốt đó là độ ồn của quạt gió khi hoạt động, với 3 ống đồng và 2 quạt, trong đó 1 quạt là AeroBlade 3D thế hệ 5 cho GPU, nếu hoạt động hết công suất thì có thể lên đến 6000 RPM và nó gây ra sự khó chịu cho mình khi chơi game hoặc làm việc, buộc phải có tai nghe.
Có lẽ thời điểm này thì những cấu hình và hiệu năng của những con CPU thế hệ 14 hay RTX 40 series đã quá quen thuộc với anh em rồi, chủ yếu là xem máy nào đạt hiệu quả tản nhiệt tốt hơn, màn hình đẹp, ngoại hình và hoàn thiện tốt hay không mà thôi.
Chiếc laptop này được trang bị viên pin 90Whr và thời lượng sử dụng của máy vẫn tương tự như phiên bản năm ngoái, khoảng 4.5 tiếng onscreen cho nhu cầu cơ bản, sử dụng như một chiếc ultrabook.
Ngoại hình thay đổi hoàn toàn
Mà nói về ngoại hình và thiết kế của Helios Neo 16 2024, mình thích hơn hẳn so với phiên bản 2023, bởi vì nó thoát ra khỏi được cái kiểu thiết kế gaming bo tròn của dòng Nitro hay Phoenix mà trở nên vuông vức hơn, góc cạnh hơn đúng với những người đàn anh của nó.
Kiểu thiết kế trên Helios 16 hay Helios 18 đúng nghĩa là một mẫu laptop gaming ở phân khúc cao cấp, nhưng vì là dòng máy rút gọn, phiên bản Neo 16 chỉ được hoàn thiện chủ yếu là nhựa ABS, với mặt B,C,D hoàn toàn bằng nhựa, chỉ có mặt A được hoàn thiện từ kim loại được anodize hoá và sơn tĩnh điện màu xám đen. Tuy vậy, mặt A của Helios Neo 16 lại khá bám mồ hôi và vân tay, anh em phải chịu khó lau kỹ nếu muốn trông nó đẹp.
Logo Predator bây giơ được bổ sung thêm LED RGB và trông máy cứng cáp và tạo ra được nét riêng nhiều hơn.
Chiếc máy này dày và nặng, đó là cảm nhận của mình khi phải mang chiếc laptop này đi làm và đi về nhà trong vài ngày vừa qua, rõ ràng nó không thiên hướng là một chiếc laptop để phục vụ cho mục đích di động. Thế nhưng để có được hiệu năng tốt thì máy buộc phải làm dày hơn để có nhiều không gian cho việc tản nhiệt. Và cũng vì nó được làm dày và khá rỗng ở trong nên khu vực bàn phím sẽ có hiện tượng flex nhẹ khi gõ bàn phím hoặc khi anh em nhấn mạnh vào khung bàn phím.
Dải LED RGB ở khu vực phía sau bản lề cũng bị lược bỏ, chỉ là một dải nhựa trong và chữ Neo trên đó mà thôi. Nhìn chung, ngoại trừ việc dùng nhựa nhiều hơn và lược bỏ đi bớt hệ thống LED RGB thì nhìn từ xa, phiên bản Neo không khác gì so với phiên bản Helios 16.
Cổng kết nối trên Helios Neo 16 đầy đủ không thiếu gì cả, từ Thunderbolt 4, HDMI 2.1, khe thẻ microSD, jack 3.5mm, cổng USB-A 3.2 gen 2, cổng LAN RJ45…Acer Predator Helios Neo 16 cũng được nâng cấp từ Wi-Fi 6 lên Wi-Fi 6E với card mạng Killer của Intel, giúp giảm tối đa độ trễ khi anh em chơi game.
Màn hình thoả mãn cho việc chơi game
Về màn hình, tuỳ chọn QHD+ 16:10, tốc độ làm tươi 240Hz/3ms và hỗ trợ G-Sync là tuỳ chọn cao nhất, với tấm nền IPS LCD được cung cấp bởi Chi Mei thì đây là tấm nền hoàn toàn đủ để thoả mãn anh em chơi game: độ bao phủ màu cao ở cả ba dải sRGB (100%), Adobe RGB (83%) và DCI-P3 (887%) cũng như độ sáng toàn khung khoảng 340 nits, Delta E < 2.
Khá đáng tiếc là webcam của máy vẫn là 720p, nhưng microphone trên chiếc máy này được hỗ trợ bởi PurifiedVoice 2.0, sử dụng AI để giảm thiểu tiếng ồn nền, mang lại độ rõ ràng cho giọng nói, kết hợp với công nghệ định hướng sóng âm sẽ ưu tiên giọng nói của bạn, đồng thời tắt tiếng ồn không mong muốn.
Acer Predator Sense được nâng cấp
Phần mềm điều khiển Predator Sense được nâng cấp với mục Checkup, giúp anh em có thể kiểm tra nhanh tình trạng hoạt động của 3 linh kiện quan trọng là pin, SSD và RAM. Giao diện mình thấy có vẻ cũng được tinh chỉnh lại một chút, phần điều khiển các thành phần quan trọng thì vẫn trực quan và dễ thao tác.
Bàn phím & loa
Bàn phím của Acer Predator Helios Neo 16 được trang bị LED RGB 4 vùng, anh em cũng có thể tinh chỉnh nhanh trong phần mềm Predator Sense, 4 vùng và 7 hiệu ứng để tinh chỉnh. Cảm giác gõ của phiên bản 2024 không khác biệt nhiều, hành trình vẫn vậy, layout và mọi thứ gần như không thay đổi, nhưng nút Ctrl bên phải được thay bằng nút Copilot, để người dùng có thể gọi nhanh trợ lý AI của Microsoft một cách nhanh hơn, mình thấy đây là thay đổi hợp lý và nó cũng đang diễn ra trong nhiều mẫu laptop của các nhà sản xuất khác.
Bảo hành 3S1
Mỗi khi nhắc đến laptop Acer thì không thể quên vụ bảo hành 3S1 được, đây là đặc quyền của những anh em mua laptop Acer, vì anh em sẽ được bảo hành nếu máy phát sinh vấn đề trong vòng 72 giờ, kể cả thứ 7 và Chủ nhật.
Tạm kết
Mẫu Acer Predator Helios Neo 16 tiếp tục phát huy những điểm mạnh nhất của mình ở thế hệ tiền nhiệm, đó là hiệu năng mức tối đa, hệ thống tản nhiệt làm việc hiệu quả, thiết kế được thay đổi theo chiều hướng cao cấp hơn, Acer tiếp tục đem đến cho người dùng một mẫu laptop có thể khai thác tối đa sức mạnh phần cứng bên trong.