Trên tay nhanh 3 mẫu máy HP OmniBook: 3 đại diện Intel Lunar Lake, AMD Strike Point và Snapdragon
“Pin rất lâu” hoặc “pin ít hơn + hiệu năng mạnh” hoặc “cân bằng giữa pin và hiệu năng” chính là cách đơn giản mà HP phân chia các mẫu máy laptop AI PC trong dòng OmniBook mà họ ra mắt, dựa trên 3 nền tảng SoC đến từ 3 hãng phát triển chip là Qualcomm, AMD và Intel.
Mình có dịp trên tay nhanh cả 3 chiếc máy này, xin được chia sẻ với anh em ít hình ảnh. Qua đó chúng ta có thể phần nào hình dung được đặc trưng của từng mẫu SoC ra mắt trong năm vừa rồi cùng các đặc tính của nó.
Trước giờ, việc chọn mua một chiếc laptop đến từ một OEM lớn như HP khá dễ khiến người ta bối rối do sự “chồng lấn” lên nhau giữa các dòng máy. Hơn thế, cách nhìn vào cấu hình máy dựa trên những thông số “truyền thống” như CPU dòng nào, RAM bao nhiêu, dung lượng ra sao,… càng khiến người ta bối rối hơn nữa. Tuy nhiên với cách phân loại của các máy AI PC thì điều đó phần nào được đơn giản hơn khá nhiều.
Nếu như trước đây, HP có các dòng laptop từ Envy, Pavilion đến Dragonfly thì năm nay, họ ra mắt dòng là OmniBook (chính xác là hồi sinh sau 22 năm), những chiếc AI PC dành cho người dùng cuối với cách phân chia đơn giản và căn cơ hơn khá nhiều, giúp cho việc lựa chọn máy tính xách tay trở nên đơn giản hơn khá nhiều. Đối với người dùng doanh nghiệp, HP có 2 dòng là EliteBook và ProBook là xong.
Và trong dòng OmniBook dành cho người dùng cuối, HP chia ra thành 3 đại diện chính tương ứng với cách “phân loại” như mình đã nói ở đầu bài gồm OmniBook Ultra, OmniBook X và OmniBook Ultra Flip, tương ứng với 3 nền tảng chính là AMD Strix Point, Qualcomm Snapdragon X Plus và Intel Lunar Lake.
OmniBook Ultra Flip 14
Đây là mẫu OmniBook mới nhất vừa được ra mắt, chạy nền tảng Intel Core Ultra 200V mới nhất.
Với tên mã là Ultra Flip, chúng ta có một chiếc máy tính 2 in 1 lật 360 độ biến thành tablet Windows hoạt động cùng với bút stylus.
OmniBook Ultra Flip có màn hình OLED 14 inch cảm ứng độ phân giải 2880×1800 và có tốc độ làm tươi 120Hz. Màn hình máy có viền rất mỏng cho cả 2 bên lẫn viền trên với tỷ lệ màn hình lên tới 90%.
Bên cạnh trên là camera 9MP tích hợp tính năng tự động điều chỉnh theo ánh sáng ngay trên phần cứng và tự động HDR. Ngoài ra nó còn có tính năng AI onboard, sử dụng sức mạnh của NPU trong chip Intel để người dùng điều khiển máy bằng cử chỉ, thí dụ như cuộn trang, tài liệu, điều khiển âm lượng, play pause media đang phát.
Phần thân máy khá mỏng, build full kim loại rất cứng cáp. Độ dày của máy chỉ có 1,5cm và cân nặng tổng thể chỉ có 1,35kg.
Thiết kế đặc trưng của OmniBook với phần vát ở góc trên sát màn hình. Vị trí này được bố trí cổng USB-C ở cả 2 bên, một giải pháp thiết kế khá lạ và độc đáo của HP.
Bàn phím với layout khá hợp lý, các phím bấm chắc chắn, hành trinh, độ nảy và độ đàn hồi đều khá cảm xúc. Điểm đặc biệt là trackpad to, vuốt khá đã. Mình dùng thử một chút thì cảm giác rất hài lòng vì độ mượt, chính xác của nó.
Đặc điểm của OmniBook là logo AI PC cách điệu của HP. Với OmniBook Ultra Flip thì logo này sẽ nằm ở bên phải của bàn phím.
Về phần cứng, chiếc OmniBook Ultra Flip này chạy Intel Core Ultra 7 256V (có thêm 2 tùy chọn là Ultra 5 226V và Ultra 9 288V), RAM tiêu chuẩn 16GB (có tùy chọn 32GB RAM), SSD 1/2TB. Máy được trang bị viên pin cho tổng thời lượng lên tới 20 tiếng, sạc qua cổng USB-C với công suất 65W.
Từ hiệu năng cho tới thời lượng pin và những trải nghiệm, tính năng khác của OmniBook Ultra Flip chịu ảnh hưởng mạnh bởi con SoC Intel Core Ultra thế hệ thứ 2. HP cho biết đây sẽ là mẫu máy cân bằng nhất giữa hiệu năng xử lý và thời lượng pin hoạt động.
OmniBook Ultra 14
HP Omnibook Ultra 14 cũng chia sẻ ngôn ngữ thiết kế giống như bản flip, chỉ là không xoay gập biến hình được như mẫu máy còn lại. Máy có cân nặng 1,58kg và độ dày 1,65cm, nhỉnh hơn xíu so với mẫu Flip.
Thoạt nhìn thì 2 máy gần như giống nhau hoàn toàn, tuy nhiên để ý kỹ thì sẽ có một số chi tiết khác với mẫu Flip. Điển hình là phần bản lề được làm màu xanh đậm thay vì đồng màu như bản Flip.
Omnibook Ultra 14 có màn hình LCD 14 inch 2240×1400, độ sáng 300 nit với độ phủ 100% không gian màu sRGB.
Nhìn từ mặt sau, bản lề sẽ có thêm logo AI ở một bên.
Phần bản lề còn lại sẽ là dòng chữ OmniBook. Góc này có thể thấy rõ hơn các đường nét cắt sắc cạnh cực kỳ đẹp và liền lạc. Một trong 2 cổng USB-C thunderbolt 4 được bố trí ngay trên phần vát chéo này của thân máy.
Từ góc này sẽ thấy rõ hơn hệ thống hút khí từ bên dưới và thổi ra ở cạnh sau sát bên dưới màn hình.
Ngoài ra, dòng chữ OmniBook sẽ nằm bên phải và logo AI cách điệu sẽ nằm bên trái dưới bàn phím.
Omnibook Ultra 14 sử dụng layout bàn phím hoàn toàn giống với bản Flip với trackpad cực kỳ to và mượt. Mình đoán là họ đã có tùy chỉnh gì đó từ tầng phần cứng, như tốc độ lấy mẫu, phản hồi,… và cả phần mềm để cho cảm giác mượt như vậy. Và nút Copilot là tiêu chuẩn không thể thiếu trên tất cả các máy AI PC từ giờ trở về sau.
Về phần cứng, mẫu OmniBook Ultra 14 chạy nền tảng AMD Ryzen AI 300 với hiệu năng AI đạt mốc 55 TOPS, cao nhất ở thời điểm hiện tại. Ngoài ra, máy còn được trang bị GPU tích hợp Radeon 980 dựa trên kiến trúc XDNA2, tùy chọn 16/32GB RAM và SSD từ 512GB tới 2TB M2 PCIe 4.0. Viên pin lên 68Wh với thời lượng pin được cho là có thể lên tới 20 tiếng video playback.
OmniBook X
Dòng OmniBook X có thiết kế khác so với 2 mẫu còn lại. Mẫu mình trên tay có màu trắng tuy nhiên, dòng này còn có phiên bản màu đen nhưng chạy chip X Elite thay vì X Elite Plus 8 nhân. Tuy nhiên, đây là chiếc máy nhẹ và mỏng nhất trong bộ 3 mẫu máy này, chỉ nặng 1,34kg và dày 1,27 cm.
OmniBook X có màn hình IPS 14 inch 2240×1400, kính Corning Gorilla Glass, độ sáng 400 nit. Điểm nhấn chính là máy chạy nền tảng Snapdragon X Elite Plus, RAM 16GB LPDDR5x 8448, 1TB M2. Dù viên pin 59Wh và hỗ trợ sạc 65W, tuy nhiên do tổng thể phần cứng từ SoC đến các thành phần khác, bao gồm cả màn hình đều được tối ưu theo mức độ tiêu thụ điện thấp, nên cuối cùng cho một chiếc máy mỏng, nhẹ và có thời lượng pin dài nhất trong bộ 3 chiếc máy này.
Theo công bố, viên pin này có thời lượng lên tới 25 tiếng. Mình chưa test thực tế nhưng đối với X Elite, việc thời lượng pin vượt 20 tiếng cho các tác vụ sử dụng máy bình thường là chuyện hoàn toàn khả thi.
Về các tính năng AI, toàn bộ các máy OmniBook đều sở hữu chung NDA triển khai các tính năng AI của HP với điểm sáng nhất là AI Companion – một ứng dụng AI sử dụng sức mạnh của model GPT nhưng chạy hoàn toàn local, cho phép người dùng sử dụng nó như một trợ lý ảo cá nhân để làm việc, truy vấn, hỏi đáp, phân tích dữ liệu ngay trên máy,… Ngoài ra các máy cũng sẽ có các tính năng dùng AI để tối ưu hóa hiệu suất làm việc, AI với ứng dụng văn phòng, camera,…
Có thể thấy, loạt 3 máy OmniBook với 3 đại diện, chạy 3 nền tảng khác nhau, là một thí dụ điển hình mô tả khá toàn cảnh các lựa chọn phần cứng laptop ở thời điểm hiện tại. Mỗi nền tảng Intel, AMD hay Qualcomm đều có những đặc tính riêng, mang lại những trải nghiệm AI PC khá riêng biệt. Việc đơn giản hóa lựa chọn máy tính dựa vào công thức hiệu năng / pin giúp cho việc lựa chọn máy theo nhu cầu của người dùng ở thời điểm hiện tại trở nên đơn giản hơn bao giờ hết.